Đó là chia sẻ của bác sỹ trẻ Nguyễn Văn Hiếu công tác tại Trung tâm y tế huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên vừa được nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.
Ra trường năm 2014, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu về làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Được làm công việc mơ ước ngay giữa Thủ đô vậy nhưng khi biết đến Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” gọi tắt là Dự án 585 của Bộ Y tế, bác sĩ trẻ sinh năm 1990 này đã không chút ngại ngần viết đơn tham gia.
“Khi còn là sinh viên, tôi đã tham gia rất nhiều các hoạt động tình nguyện. Mỗi lần tới những địa bàn khó khăn là mỗi lần tôi lại thêm thấu hiểu những thiệt thòi của người dân khi ốm đau mà không được chăm sóc y tế tới nơi, tới chốn. Người dân cần mình, trong khi tuổi đời của tôi còn trẻ nên tôi muốn được trải nghiệm, được cống hiến nhiều hơn”.
Suy nghĩ của Hiếu được thể hiện cụ thể qua từng câu chữ trong lá đơn xin tham gia Dự án: “Em sẵn sàng tình nguyện ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, nơi nào dân sống được thì em cũng có thể sống được”.
Vì thế, Trung tâm y tế huyện Mường Nhé nơi mà Hiếu được phân công công tác cũng là điểm đến rất tình cờ mà Hiếu không hề biết trước. “Đó là huyện nghèo nhất của Điện Biên, nằm trong danh sách 63 huyện nghèo của cả nước. Mỗi lần về thăm nhà là tôi phải mất 24 giờ di chuyển vượt qua quãng đường trên 700 cây số, chuyển qua mấy chặng xe nên khoảng 3 tháng tôi mới bố trí về một lần. Ngày tôi lên đường (giữa năm 2017), đứa lớn mới 15 tháng còn đứa nhỏ cũng vừa mới sinh”.
Trong đơn, người bác sỹ ấy chỉ có duy nhất một nguyện vọng là được làm bác sỹ nội nhi như chuyên môn được đào tạo thế nhưng vì điều kiện nơi công tác quá thiếu nhân lực nên anh phải đảm nhiệm vai trò của bác sĩ đa khoa.
“Khó khăn đầu tiên đó là không biết tiếng dân tộc, bệnh nhân đến khám tôi phải nhờ người thạo tiếng mới biết rõ được bệnh tình để chữa trị. Ở đây chủ yếu là người Mông nên ngoài việc học từ bệnh nhân và đồng nghiệp, thời gian rảnh, tôi tự học thêm tiếng Mông”, bác sỹ Hiếu kể.
Nếu như với một ca nặng thì ở tuyến trung ương sẽ có 3 người trực còn ở nơi bác sỹ Hiếu công tác việc phải trực suốt 24 giờ không phải là chuyện hiếm. Lần gần nhất bác sỹ đã dành trọn một ngày bên giường bệnh là trường hợp một bệnh nhân bị uốn ván. Anh đã phải theo dõi sát sao từng biểu hiện của người bệnh để giành lại mạng sống từ tay tử thần. “Khi bệnh nhân ở ngưỡng an toàn thì cũng là lúc tôi cảm thấy kiệt sức”.
Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người coi quyết định tình nguyện về miền núi công tác của Hiếu là một quyết định cực kỳ dũng cảm nhưng nếu biết về hoàn cảnh của gia đình bác sỹ trẻ này thì sẽ càng nể phục hơn nữa. Hiếu đã không chút đắn đo, vẫn quyết định lên đường khi cả hai vợ chồng đều mang bệnh. Hiếu thì bị viêm cột sống dính khớp, có lúc đi lại vô cùng khó khăn còn vợ là cô giáo dạy học ở quê, bị u tuyến giáp phải phẫu thuật cắt tuyến giáp, dùng hormon thay thế cả đời do suy giáp sau phẫu thuật và mắc cả bệnh lao hạch.
“Vậy nhưng từ khi lên Mường Nhé, bệnh của tôi đỡ hẳn. Dù thu nhập không nhiều, còn nhiều khoản phải chi tiêu nhưng vợ chồng tôi đều thống nhất dành một khoản để mua thuốc cho bà con bởi đều mang bệnh trong người, hơn ai hết, chúng tôi thấm thía được giá trị của tình người, của sự sẻ chia cho nhau những điều tốt đẹp. Chúng tôi luôn coi bệnh nhân như người thân của mình.
Điều tôi muốn gửi gắm tới những bạn trẻ đó là hãy buông xuống những ích kỷ, gắng học tập và có nghị lực để vượt qua thử thách. Đất nước còn nghèo, chúng ta có tri thức, có sức khỏe, sẵn trong tim tình yêu nước, yêu thương con người thì hãy cống hiến. Với tôi đó mới thực sự là cuộc sống ý nghĩa”, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 chia sẻ./.