Xuất phát từ tình yêu thương giữa con người với con người, hơn 10 năm nay, những tình nguyện viên thuộc Chốt sơ cấp cứu - cứu hộ cứu nạn (CHCN) Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cứ âm thầm, lặng lẽ, sẵn sàng giúp đỡ người khác mỗi khi họ gặp tai nạn trên sông cũng như trên đường bộ. Hoạt động của Chốt sơ cấp cứu CHCN không chỉ giúp nhiều người vượt qua “lưỡi hái tử thần” mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông cũng như nhân lên những nét đẹp trong cộng đồng.
Bà Trần Thị Lan hiện là chốt phó của Chốt sơ cấp cứu - CHCN Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Bẩm. Nhà bà nằm ngay gần đầu cầu Gia Bẩy, con trai bà làm nghề sửa xe máy, nên 24/24 giờ đều có người ở nhà. Vì thế, gia đình bà đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra ở đây. Lật giở trang trong cuốn sổ ghi chép, bà Lan cho hay: Mỗi năm, khu vực này có từ 7-10 vụ tai nạn xảy ra. Nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông qua đường không quan sát, do uống rượu, vừa đi vừa nghe điện thoại, bám sát ô tô… Cứ có trường hợp tai nạn, nhận được tin báo, chúng tôi lại tức tốc có mặt, dìu họ vào nhà rồi lau rửa vết thương, băng bó, cầm máu kịp thời.
Có một trường hợp mà đến giờ bà Lan vẫn thấy cảm động đó là vào lúc 19 giờ, ngày 20/6/2013, cháu Nguyến Đức Kiên, 21 tuổi, trú tại xóm Làng Nhãn, xã Linh Sơn vừa đi xe máy, vừa nghe điện thoại không tập trung quan sát nên đã lao vào tả luy đường, khiến xe máy bị hư hỏng nặng còn người văng xuống đường, chân tay chảy đầy máu. Ngay lập tức, bà đã đến dìu cháu vào nhà, rửa vết thương, cầm máu sau đó gọi điện cho bố mẹ cháu đến. Biết tin, bố mẹ Kiên đến cảm ơn rối rít, còn nằng nặc nhận tôi làm mẹ nuôi của cháu… Tôi không nhận, vì nghĩ đó là trách nhiệm của mình, nhưng từ đó đến nay, gia đình Kiên vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi tôi. Điều đó khiến chúng tôi càng có thêm động lực làm việc thiện, động viên con cháu cùng chung tay cứu người khi không may họ xảy ra tai nạn.
Anh Vũ Ngọc Tiến, con trai của bà Lan tiếp lời mẹ: Khu vực này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, mà còn là nơi để mọi người “tìm đến cái chết”. Mấy chục năm sống ở đây, tôi chứng kiến nhiều vụ tự tử, đuối nước, riêng trong năm 2017 có 3 vụ tự tử tại cầu. Mới đây nhất là vào đêm 24-1, hôm ấy trời rét căm căm, có một người phụ nữ (chưa rõ tên tuổi) đã nhảy xuống sông tự tử. Nghe mọi người hô hào, tôi vội chạy về nhà bơm phao (bằng lốp xe) sau đó nhảy xuống cứu cô gái, tiến hành sơ cấp cứu ban đầu rồi gọi xe đưa đi viện.
Cầu Gia Bẩy là đầu mối giao thông quan trọng, có đường Quốc lộ 1B nên ngày ngày tập trung rất nhiều phương tiện, xe cơ giới đi qua khu vực này. Khu vực này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đuối nước xảy ra trên sông Cầu, nhất là trong mùa mưa lũ. Do vậy, từ những năm 1995-2009, đã có một số người dân khu vực này tự nguyện làm công tác CHCN. Tuy nhiên, do chưa có người đứng đầu, chưa được huấn luyện về nghiệp vụ, lại thiếu dụng cụ CHCN nên nhóm hoạt động còn lúng túng, bị động. Nhận thấy đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn, năm 2010, Hội Chữ thập đỏ T.P Thái Nguyên đã thành lập Chốt sơ cấp cứu - CHCN Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Bẩm. Theo đó, chốt có 5 thành viên, gồm chốt trưởng, chốt phó và các tình nguyện viên. Họ là những y tá thôn bản nhiệt tình, tích cực tuyên truyền tới người dân về thảm hoạ thiên tai, chủ động phòng tránh hạn chế mức thiệt hại thấp nhất về người và của do bão lũ gây ra; sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu, cứu trợ, CHCN người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão. Ngoài ra, các tình nguyện viên được trao đổi thông tin, học tập và bồi dưỡng nghiệp vụ chữ thập đỏ, những kỹ năng, kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu, được tham gia các hoạt động chương trình Dự án của Hội, được giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các đội tình nguyện viên chữ thập đỏ trong tỉnh. Ban đầu, chốt được Hội Chữ thập đỏ tỉnh cấp
các dụng cụ như: bông, băng, nẹp cáng, phao cứu sinh, thuốc men..., sau đó mọi người trong chốt gần như hoạt động tự túc.
Theo bà Đặng Thị Minh Hoan, Chốt trưởng Chốt sơ cấp cứu - CHCN Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Bẩm: Nếu trước đây, khi có vụ tai nạn xảy ra, một số người còn e dè, sợ sệt không dám đến, chỉ có các thành viên trong chốt ra tay cứu giúp thì giờ đây, gặp người bị tai nạn, đông đảo người dân gần khu vực đó và người qua đường cùng xúm vào giúp đỡ họ. Điều đó thể hiện những hành động của chúng tôi tuy nhỏ bé nhưng có sức lan toả đến nhiều người.
Bà Hoan dẫn chứng trường hợp được nhiều người giúp đỡ ấy là chị Nguyễn Thuỳ Dương, xóm Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm. Hôm ấy, chị Dương đau bụng nhưng không kịp đến bệnh viện mà sinh ngay tại đoạn đường qua cổng nhà bà. Thấy vậy, các tình nguyện viên của chốt cũng như một số người dân ở đây (cũng là cán bộ, y bác sĩ) đã nhanh chóng đến giúp để chị Dương mẹ tròn con vuông. Chị Dương cho hay: Hôm đó nếu không có các cô tình nguyện viên cũng như mọi người hỗ trợ kịp thời thì không biết mẹ con em sẽ thế nào. Em biết ơn mọi người lắm, em đặt tên con gái là Trịnh Hoài Thương cũng để thể hiện tình yêu thương, giúp đỡ của mọi người.
Qua 8 năm hoạt động, đến nay Chốt Chốt sơ cấp cứu – CHCN Hội Chữ thập đỏ phường Đồng Bẩm đã sơ cấp cứu cho trên 100 trường hợp bị tai nạn ở cả đường bộ và đường sông; kiểm tra huyết áp, tư vấn sức khoẻ, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người. Nhận xét về hoạt động của chốt, ông Nguyễn Ngọc Tuyển, Trưởng xóm Gia Bẩy nói: Chốt sơ cấp cứu - CHCN phường Đồng Bẩm đã có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Mô hình này cần được nhân rộng, lan toả để trở thành “phao cứu sinh” cho người bị tai nạn giao thông đường bộ và đường sông.