Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

08:02, 30/05/2018

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam vẫn còn dai dặng đè nặng lên hàng triệu người dân, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thảo, ở tổ 2A, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Và, cách để bà quên đi nỗi đau ấy chính là tích cực làm việc thiện, san sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, những năm 1959-1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Bích Thảo cũng như bao cô gái khác xung phong lên đường làm nhiệm vụ trên tuyến lửa Trường Sơn. Công việc của bà là y tá quân y, tại Chiến trường B, Binh đoàn 559, đóng quân ở tỉnh Quảng Bình. Tại đây, cô gái Thảo bén duyên với chàng lái xe Nguyễn Xuân Minh. Đám cưới của họ được đơn vị tổ chức ngay ở chiến trường. Sau ngày đất nước thống nhất, bà trở về công tác tại Bệnh viện Tiên Lữ (Hưng Yên), sau này chuyển về Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên.

Trở về đời thường, cả hai vợ chồng cùng bị nhiễm chất độc da cam nên sinh ra ba người con cũng đều bị ảnh hưởng của chất độc hoá học này. Trong đó nặng nhất là cô con gái đầu, chị Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1975) từ bé đã bị liệt toàn thân. Hai người con còn lại của ông bà tuy không có dị tật gì nhưng lại kém nhanh nhẹn, khoẻ mạnh so với bạn bè cùng trang lứa. Thương các con, bà Thảo xin nghỉ chế độ theo diện mất sức lao động để dành thời gian chăm sóc và tìm cách chữa trị cho con. Nhưng việc cứu chữa trở nên vô vọng khi hơn 40 năm trôi qua, con gái bà vẫn nằm một chỗ, chỉ giao tiếp với gia đình bằng cái nghoẹo đầu hay ánh mắt ngây dại. Mỗi khi nhìn thấy con như thế, bà chỉ biết khóc thầm, ước gì một mình bà phải gánh chịu hết nỗi đau ấy. Rồi bà lại tự động viên mình phải sống mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Dù mang trong mình nhiều bệnh tật, sức khoẻ yếu, song bà vẫn lặng lẽ làm việc, yêu thương, chăm sóc để các con cảm nhận được tình yêu của mình.

Khi được hỏi, hoàn cảnh của bà khổ như vậy, tại sao bà vẫn tích cực đi làm từ thiện, bà cười bảo: Bản thân sống trong khổ cực nên khi chứng kiến những người có cùng cảnh ngộ, tôi muốn được chia sẻ phần nào khó khăn với họ. Gia đình tôi những năm qua cũng đã được nhiều tập thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà, động viên, giúp chúng tôi tự tin vươn lên trong cuộc sống. Tôi luôn nghĩ, mình nên làm nhiều việc thiện để có thể giúp đỡ những số phận thiếu may may khác.

Trước đây, khi bà còn làm Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ tổ 2A, thấy những hộ nghèo trong tổ gặp khó khăn, hoạn nạn, bà lại đi đến từng nhà vận động mọi người cùng chung tay giúp đỡ, trao cho họ những suất quà dịp Tết đến, Xuân về. Mỗi lần phải nằm viện điều trị, gặp người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, bà lại biếu chút tiền, chỉ là đôi ba trăm nghìn đồng hay những câu chuyện, lời động viên, sẻ chia nỗi niềm vui buồn cùng họ. Biết bà hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn có tấm lòng nhân ái như thế, mọi người xung quanh ai cũng cảm phục và cùng chung tay làm việc thiện với bà.

Gần 15 năm nay, bà tham gia sinh hoạt trong Tổ Thiện tâm, T.P Thái Nguyên. Tổ này gồm 30 thành viên, là các phật tử, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, mỗi thành viên trong Tổ đóng góp 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Tổ còn vận động các cá nhân, đơn vị hảo tâm ủng hộ thêm tiền để giúp đỡ mọi người. Hoạt động của Tổ hướng đến những trẻ em bị thiệt thòi, những cụ già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên thường nấu cháo, mua bánh mì đến cho các cụ già trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, các em học sinh Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh; thăm và tặng quà, nấu cháo miễn phí, gói bánh chưng tết cho bệnh nhân ở Trại Phong Phú Bình, hỗ trợ gạo hằng tháng các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Ngoài ra, bà cũng thành lập nhóm Tình thương tổ 2A, phường Hoàng Văn Thụ, tập hợp những người cùng chung tấm lòng nhân ái để đóng góp tiền giúp đỡ người khác.

Với đồng lương hưu và tiền trợ cấp chế độ nhiễm chất độc da cam ít ỏi mỗi tháng của hai vợ chồng, việc chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc cho con phải tằn tiện từng đồng nhưng bà Thảo vẫn cố gắng dành dụm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh bất hạnh. Đến nay, bà không thể nhớ, mình đã giúp được cho bao nhiêu người, chỉ biết rằng sau mỗi lần làm việc thiện, dù nhỏ, bà cũng thấy như đang giúp chính mình, thấy cuộc sống của mình vui vẻ, ý nghĩa hơn.

Ông Lưu Sỹ Mùi, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho hay: Bản thân gia đình bà Thảo có 3 người là đối tượng hưởng chế độ nạn nhân nhiễm chất độc da cam nhưng bà ấy luôn nghĩ và giúp đỡ đến nhiều người nghèo và nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam khác. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái của người phụ nữ hiền lành, lương thiện. Với những việc bà đã và đang làm, góp phần truyền “lửa nhân đạo” đến với tất cả mọi người.