Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả và vườn đào cảnh của gia đình, ông Nghiêm Văn Chính, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ) nói từ tốn: Đó là toàn bộ gia sản của tôi - trừ mọi chi phí đầu tư, còn lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Cũng từ hiệu quả kinh tế mang lại từ mảnh vườn này mà năm 2015, tôi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 - 2015.
Đỡ lời chồng, bà Vũ Thị Bích cho biết thêm: Các con tôi đã lớn, đều ra ở riêng, nên nhà chỉ có 2 vợ chồng, mọi việc đều đến tay. Vất vả, nhưng nhìn vườn cây xanh mướt, quả treo đầy cành lại thấy hết mệt.
Trong vườn, tôi bắt gặp nhiều chú ong về đây kiếm mật, đồng thời làm nhiệm vụ thụ phấn cho hoa, để hơn ba trăm ngày sau, từng quả bưởi no tròn, múi mọng nước được bày trên bàn ăn của bao gia đình… Suy nghĩ ngọt ngào ấy đưa tôi về một miền hoài niệm rất gần của ông chủ vườn. Đó là những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, vợ chồng ông Chính được Hợp tác xã chuyên canh chè Đoàn Kết (Hoàng Nông) chia cho hơn 10.000 m2 đất sản xuất. Nhưng đó là phần đất bạc màu, hạt giống tra xuống cây còi, cây chột, cho năng suất thấp. Không quản gian khó, vợ chồng ông Chính động viên nhau cải tạo vườn bãi bằng cách trồng các loại cây rễ sần như đậu lạc, rồi lấy cây làm phân xanh, ủ cùng phân chuồng chăm bón cho cây trồng các loại.
Để ổn định cuộc sống, những ngày đầu ra ở riêng (1984), vợ chồng ông Chính tập trung san bạt, cào đất chỗ cao lấp vào chỗ thấp, tạo thành mặt bằng để về lâu dài dễ trồng, chăm sóc cho các loại cây. Vốn không có, vợ chồng ông đi xin ngọn mía; vay mượn thêm tiền mua lạc, đỗ, ngô giống về trồng. Ông Chính cho biết: Nhờ chịu khó, nên các loại cây trồng trên phần đất của gia đình đều phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhưng đem so sánh với cây chè thì có giá trị thấp hơn, nên vợ chồng bàn bạc chuyển dần đất sang trồng chè.
Vẫn là cách lấy ngắn nuôi dài. Trên phần đất của gia đình, vợ chồng ông dành một phần trồng ngô, lạc, đỗ lấy tiền mua gạo ăn trước mắt, một phần dành trồng chè. Song để trồng được cây chè, vợ chồng ông phải tranh thủ đào lõng, ủ phân chuồng, phân xanh và đến các vườn chè trong vùng xin được thu hái quả, về bóc lấy hạt đem trồng. Mất 5 năm liên tục vợ chồng ông mới trồng được cây chè trên diện tích đất 5.000 m2, số đất còn lại (5.000m2) ông trồng cây mơ lai. Hợp thổ nhưỡng, cây chè, cây mơ lai phát triển nhanh. Sau 3 năm, cây chè cho thu hoạch, bán được giá, cây mơ lai quả trĩu cành nhưng không có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đành “nuốt nước mắt” chặt bỏ bao công sức vun trồng, có hái mà không có thu để chuyển sang trồng cây vải lấy quả. Cứ cây này gánh cho cây kia, san siu bù cho nhau, vì thế gia đình ông Chính không rơi vào cảnh túng khó.
Với phương châm đứng bằng hai chân: Một chân là cây chè, một chân là cây ăn quả, nên diện tích đất 5.000 m2 trồng chè được đầu tư chăm sóc, thu hái đúng lứa. Còn 5.000 m2 đất tiếp tục được trồng cây ăn quả. Ông Chính kể: Năm 1993, tôi mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ngân hàng Nhà nước vay được 1,5 triệu đồng để mua cây vải giống về trồng thế chỗ mơ lai. Song cũng chỉ mấy vụ được giá, rồi quả vải nhanh chóng rơi vào thảm cảnh chặt thì đau, để thì buồn, do quả vải ế ẩm, có thời điểm bán được 1.500 đồng/kg. Năm 2011, thấy trong vùng có một số hộ trồng cây bưởi diễn, bưởi da xanh cho giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều cây trồng khác, vợ chồng ông Chính thực hiện chặt bỏ dần vườn vải để chuyển đất sang trồng cây bưởi.
Để chắc ăn, ông Chính xin được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả do xã và Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp tổ chức. Rồi bản thân ông tự tìm đến các hộ trồng bưởi ở xã Tiên Hội học hỏi thêm kinh nghiệm chọn cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là việc làm như thế nào để cây bưởi đậu nhiều quả, và quả không bị thối rụng. Khi nắm bắt vững các quy trình kỹ thuật này, ông tiếp tục tìm hiểu về nhu cầu tiêu thụ quả bưởi trên thị trường trong tỉnh và cả nước. Khi nhận thấy cây bưởi có một thị trường tiêu thụ ổn định, ông mạnh dạn mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ngân hàng Chính sách xã hội thế chấp, vay tiền đi mua cây bưởi giống. Vẫn là cách làm “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, sau 3 năm, vợ chồng ông Chính đã có một vườn bưởi, chủ yếu là bưởi Diễn và bưởi Da Xanh rộng 7.000 m2. Cây nào cũng xum xuê, quả treo đầy cành. Ông Chính phấn chấn cho biết: Có lúc bán 1 quả bưởi được 80.000 đồng, còn cứ tính “đồng hạng”, to nhỏ bù nhau cũng được 45.000 đồng. Gần đây, số hộ trồng bưởi tăng nhanh, song bưởi vẫn có giá bán trung bình 25.000 đồng/quả. Bưởi không phải mang ra chợ, người tiêu dùng vào tận vườn đặt mua.
Ngoài bưởi Diễn, bưởi Da Xanh, hiện gia đình ông Chính còn duy trì 2.500 m2 đất trồng chè, giống TRI 777 và 500 m2 đất còn lại chuyển sang trồng cây hoa đào các loại. Bà Bích khoe: Có dạo gia đình tôi phải thường xuyên mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra ngân hàng thế chấp vay vốn. Nhưng từ 5 năm gần đây, việc này không xảy ra. Hơn thế, gia đình tôi đã có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, và có tiền giúp một số hộ khó khăn về vốn vay đầu tư cho cây chè, cây ăn quả không lấy lãi.
Vừa trò chuyện, bà Bích vừa mau mải khâu từng chiếc túi bằng vải dù vuông vắn. Bà làm những chiếc túi này cho chồng bọc từng quả bưởi để sâu không hại quả.
Một lần nữa chúng tôi theo vợ chồng ông ra vườn. Hàng nghìn quả bưởi đã được bọc trong túi vải dù, và còn rất nhiều quả bưởi khác đang chờ bàn tay của chủ nhân bọc lại… Khi chúng tôi chào từ biệt để ra về, tiễn thêm một đoạn đường, ông Chính nắm tay từng người, hò hẹn: Tết tới các anh trở lại thăm nhà, vợ chồng tôi sẽ mời trà ngon, bưởi ngọt và ngắm hoa đào… Tôi cũng hẹn: Vâng, Tết tới nhất định sẽ trở lại xóm Đoàn Kết để được gặp người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Hoàng Nông.