Người bưu tá kiêm nhiệm hết lòng vì công việc

15:04, 30/08/2018

Giữa năm 2017, anh bưu tá ở phường Cải Đan (T.P Sông Công) xin nghỉ việc vì sức khỏe, một phần vì “lương” quá thấp. Tìm mãi không có người thay thế, lãnh đạo phường nhận thấy cấp phó của một số hội, đoàn thể trong phường có thể làm thêm được công việc này, cũng là cách giúp họ tăng thêm thu nhập. Sau khi được ngỏ ý, đảng viên Đinh Văn Cầu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường đã nhận nhiệm vụ này một cách vui vẻ.

Từ đó đến nay đã tròn 1 năm ông Cầu làm thêm nhiệm vụ mới, bưu tá của phường. Bà Trịnh Thị Ngân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường cho biết: Qua những lần giao ban ở phường, các bí thư chi bộ và tổ trưởng dân phố không ai phàn nàn gì về người bưu tá mới mà còn có lời khen về sự nhiệt tình, trách nhiệm của ông. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường, ông Cầu cũng luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Ông còn như “cầu nối” giữa phường với xóm phố một cách chặt chẽ.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, ông Cầu còn được bà con tổ dân phố Xuân Thành bầu làm Tổ phó phụ trách thủ quỹ và Chi hội trưởng Nông dân. Một lần đến chơi, ngồi trong căn nhà nhỏ, sạch từ cổng trở vào, tôi hỏi vui: - Ông vác nhiều “tù và” thế, vợ ông có phàn nàn không? - Không đâu. Bà nhà tôi còn tạo điều kiện cho mình làm việc ấy chứ. Vợ chồng tôi vẫn canh tác trên một mẫu ruộng. Những khi nông nhàn, bà ấy cũng đi tìm việc để làm thêm. Ví như hôm nay, chỉ có mỗi mình tôi ở nhà. Tôi lại hỏi, làm bưu tá có ảnh hưởng đến công việc chính của Phó Chủ tịch Hội Nông dân không thì ông trả lời ngay: Khi  bắt tay vào làm bưu tá, tôi đã tìm hiểu kỹ định kỳ xuất bản từng loại báo chí. Ví dụ: Báo ngày có tờ Nhân dân, Thái Nguyên, Tiền Phong; báo tuần có tờ Văn nghệ Thái Nguyên, Nông nghiệp; tạp chí thì ra hằng tháng… Điều quan trọng thứ hai là cần nắm chắc danh sách những người “được nhận” báo để thống nhất với họ nơi để báo, nếu họ vắng nhà. Việc của Hội thì mỗi tuần, tôi phải trực ba ngày: Thứ hai, thứ Tư và thứ Sáu. Những ngày này, ngay từ đầu giờ, tôi đã lên bưu điện lấy báo, đem về cơ quan, lựa thời gian chia cho từng độc giả rồi tranh thủ trưa, tối đi phát trong ngày. Còn những ngày không phải trực ở phường thì công việc có phần nhàn hơn. Riêng đối với công văn, giấy tờ thì bất kể thời gian, tôi đều gắng sức hoàn thành công việc.

Ông chia sẻ thêm: Việc làm thủ quỹ ở tổ dân phố tuy nhỏ nhưng lại phức tạp hơn cả vì nhiều khi phải thu chi “lắt nhắt”, mình mà không ghi chép cẩn thận, rõ ràng, minh bạch thì có khi “oan gia”. Do có điều kiện tiếp cận sớm với các chủ trương, chính sách về nông  nghiệp, nông dân, nông thôn từ trên phường nên tôi đã thông tin cho nhiều bà con khi có cơ hội tiếp xúc. Làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân, tôi luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ, chẳng hạn hồi phường Cải Đan được chọn làm Đại hội điểm của Hội Nông dân T.P Sông Công, tôi đã giúp việc cho Chủ tịch Hội một cách tích cực, trong khi vẫn hoàn thành tốt công việc của một người bưu tá.

Gánh nhiều trách nhiệm trên vai, phụ cấp tùy vào công việc, tính ra mỗi tháng, ông Cầu cũng có thu nhập gần 3 triệu đồng. “Với mức thu nhập như vậy, tính ra chi phí cho xăng xe, điện thoại và sinh hoạt bản thân thì cũng dư giả chán” - Ông Cầu vui vẻ nói.  

Thực tế cho thấy, nhiều nơi còn có tình trạng bưu tá để báo chí, công văn giấy tờ thường xuyên thất lạc hoặc chậm hàng tuần mới đưa đến tay người nhận. Vậy nên ở phường Cải Đan (T.P Sông Công), có một “bưu tá kiêm nhiệm” cần mẫn như ông Cầu quả thật đáng quý. Ông xứng đáng là “công bộc” của dân như lời Bác Hồ từng dạy. Thiết nghĩ, việc sắp xếp cán bộ của lãnh đạo phường Cải Đan, ở một khía cạnh nào đó có phần phù hợp với Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), nên chăng có thể áp dụng cho nhiều nơi?