Những ngày tháng 9, đi trên phố đông, lòng tôi phấn chấn giữa cờ, hoa chào đón những ngày lễ lớn của đất nước.
Bỗng trong tôi chợt nặng một hoài cảm, nhớ về một thời cha ông xông pha lửa đạn, trong đó có thầy giáo, thanh niên xung phong (TNXP), liệt sĩ Hà Văn Ly, xã Mai Lạp, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Trong trái tim người thân, bè bạn, và những cựu TNXP hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn vẫn khắc ghi bao kỷ niệm về anh, một người thầy dạy chữ đã anh dũng hy sinh vào đêm Noel năm 1972, tại Ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên).
Ông Lê Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên nhớ lại: Tôi cùng học với anh Ly ở Trường Trung cấp Sư phạm Bắc Thái. Thời điểm đó, Trường được dựng ở khu vực Dốc Đỏ, xã Phúc Trìu (t.P Thái Nguyên). Anh Ly thích thể thao, mê văn nghệ, sống hòa thuận. Cuộc vui nào ở ký túc xá, có anh thì “phong trào” sôi nổi hẳn. Anh Ly học Khoa Văn của Trường, có năng khiếu thơ ca hò vè nổi trội, nên thường được bạn cùng khóa nhờ viết thư ngỏ lời với bạn gái.
Ông Lanh dừng lời, xúc động vì ký ức ùa về: Cái thời cả nước mặc quần vá, áo túm, ăn cơm độn mì, độn sắn mà học trò đứa nào cũng đọc sách thâu đêm. Những cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga - Nicolai A. Ostrovski; “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Nga - Mikhail Aleksandrovich Sholokhov và nhiều tác phẩm văn học khác được học sinh chúng tôi truyền tay đọc nhàu gáy. Những chỗ chưa hiểu thì hỏi anh Ly. Anh Ly xem lại, rồi giải thích cho chúng tôi cùng nghe.
Tháng 5-1972, tốt nghiệp khóa học, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Bắc Thái quyết định điều động 4 học sinh của Trường, gồm: Hà Văn Ly, Bảo Văn Lạc (khoa Văn), Lê Huy Lanh, Ma Đình Quốc (khoa Toán) đi nhận công tác tại Đội TNXP 91 Bắc Thái (khi đó Ban Chỉ huy Đội đóng ở một khu đồi rộng, thuộc UBND phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên ngày nay). Theo quyết định tạm thời của Bộ Giáo dục: Mỗi Đội TNXP là một trường bổ túc văn hoá. Mỗi Đại đội TNXP là một phân hiệu. Theo đó, Trường Bổ túc văn hoá Đội TNXP 91 do đồng chí Nguyễn Đình Trân phụ trách. Thầy Lanh được phân về Phân hiệu Đại đội 911, thầy Lạc về Phân hiệu Đại đội 912, thầy Quốc về Phân hiệu Đại đội 913, thầy Trân phụ trách chung, kiêm công tác dạy bổ túc văn hoá ở Phân hiệu Đại đội 914, còn thầy Ly được phân về Phân hiệu Đại đội 915.
Theo lời kể của những cựu TNXP Đại đội 915 còn sống sau trận bom B52 năm 1972: Phân hiệu của Đại đội đóng tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay là T.P Thái Nguyên). Quân số hơn 110 người, trình độ văn hóa của cán bộ, đội viên từ chưa biết chữ đến học hết cấp III (hệ 10/10). Ngay khi về nhận nhiệm vụ, thầy Ly phối hợp với Ban Chỉ huy Đại đội tổ chức xây dựng Phân hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho Phân hiệu hoạt động. 12 cán bộ, đội viên được lựa chọn làm giáo viên bán chuyên trách. Cựu TNXP Chu Thị Pảo, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vào TNXP, nhiều người chưa biết đọc, chưa biết viết. Nhưng có người đã học hết lớp 10/10. Có người như anh Ly đã tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm. Là TNXP, nên toàn bộ sách, vở, bút, mực, dầu, đèn… cho thầy, trò đều do Ty Giáo dục tỉnh Bắc Thái cung cấp.
Vì ở phân tán trong nhà dân, nên Phân hiệu không ở tập trung, nhưng do có kỷ luật nghiêm, nên các lớp học của Phân hiệu Đại đội 915 luôn đầy đủ học viên, không khí học tập sôi nổi, có người sau 4 tháng đã được chuyển lên học lớp trên. Thầy Lanh nhớ lại: Tất cả các phân hiệu thuộc Trường TNXP Đội 91 Bắc Thái, trong đó có Phân hiệu Đại đội 915 được tổ chức học văn hoá vào các buổi chiều thứ Ba, thứ Năm và các buổi tối trong tuần. Riêng buổi tối thứ Bảy thầy, trò được nghỉ ngơi, tham gia tập văn nghệ. Theo quy định: Học viên Cấp I học 2 môn cơ bản là Văn và Toán; cấp II học các môn Văn, Toán, Lý, Hóa; lên cấp III học 5 môn: Văn, Toán, Lý Hoá và có thêm môn Sinh. Để việc dạy học có chất lượng, thầy Ly chủ động tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên bán chuyên trách về phương pháp dạy học, kỹ năng sư phạm và sắp xếp quy trình dạy học thành thơ lục bát, dễ nhớ, dễ thực hiện, như: “Thuyết trình, đàm thoại, trực quan/Giáo khoa, thí nghiệm, luyện ôn, bình bài”.
Kể chuyện thầy Ly, các cựu TNXP Đại đội 915, hiện đang sinh sống ở tỉnh Bắc Kạn rưng rưng nhớ về những tháng ngày gian khổ, nhưng đáng sống nhất của đời mình. Cựu TNXP Cà Thị Phương, xã Nhạn Môn (Pác Nặm) cho biết: Lực lượng TNXP chúng tôi vừa làm nhiệm vụ thông đường, lấp hố bom, bốc xếp hàng hoá, trực chiến và sẵn sàng bổ sung lực lượng cho Quân đội. Tất cả từ cán bộ đến đội viên đều trẻ trung, hăng hái, sống bình đẳng, yêu thương nhau như ruột thịt. Khi lên lớp thì thầy ra thầy, trò ra trò. Khi làm nhiệm vụ thì mọi người chung lưng đấu cật, giúp nhau khiêng, vác cùng hoàn thành nhiệm vụ… Cựu TNXP Khổng Văn Hản, xã Thượng Giáo (Ba Bể) kể: Các lớp học đơn sơ mà ấm áp, học trò chúng tôi ngồi cả xuống đất mà tập viết, tập vần. Còn bảng viết là cánh cửa, có khi là mảnh ván ghép lại. Còn cựu TNXP Tăng Văn Eng, xã Nam Cường (Chợ Đồn) chia sẻ: Nhiều hôm trên công trường, thấy chúng tôi tranh luận về tác giả, tác phẩm, về đại ý của bài học hôm trước. Chẳng ai chịu ai, thầy Ly lại đứng ra làm trọng tài, giảng giải đúng, sai. Nhiều hôm trên công trường, giờ giải lao, chúng tôi lật nghiêng chiếc xe ba gác làm bảng để thầy Ly viết bài học vào thùng xe. Có lần khác thầy viết bài xuống nền đất, chúng tôi xúm lại nghe thầy giảng giải về ý nghĩa của từ, học như thế mà chất lượng.
Trở lại câu chuyện với ông Lanh. Ông xúc động nhớ lại: Tôi với anh Ly là thầy giáo chuyên trách, ngoài việc hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên bán chuyên trách, còn trực tiếp tham gia dạy bài khó cho học viên. Vì các đại đội không ở gần nhau, nên chúng tôi chỉ gặp nhau vào ngày giao ban sáng 23 hằng tháng. Và như các buổi giao ban trước đây, sáng 23-12-1972, sau giao ban, tôi gặp anh Ly bên hiên nhà Hiệu bộ, chia lại cho anh Ly 5 bao thuốc lá theo tiêu chuẩn trên cấp cho cán bộ, giáo viên. Anh Ly nhận thuốc lá, cho vào túi rết, kể: Tôi vừa về Mai Hạp thăm mẹ già. Khổ tâm lắm Lanh ạ! Mẹ tôi bị lòa 2 mắt. Mẹ tiễn tôi ra đầu bản, tôi lại tiễn mẹ vào nhà… 2 mẹ con cứ líu ríu dắt nhau ra, vào đến lần thứ ba thì tôi lạy mẹ, gạt nước mắt, bỏ chạy ra đường lớn. Tôi đã khóc rất nhiều vì thương mẹ. Mẹ chỉ có mình tôi là con.
Ông Lanh dừng lời, bật khóc: Đó cũng là lần cuối cùng tôi trò chuyện với anh Ly. Vì tối hôm sau, anh Ly cùng hơn nửa quân số của Phân hiệu Đại đội 915 hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Sau này tôi có lên thăm mẹ anh Ly 5 lần. Mẹ anh Ly không biết nói tiếng phổ thông, nhưng qua người dịch tiếng, tôi biết mẹ vẫn đang đợi anh về để làm ông giáo làng Mai Hạp.
Tất cả chúng tôi, những người được nghe câu chuyện về người thầy liệt sĩ Hà Văn Ly đều rưng rưng nước mắt và thầm hứa: Sẽ cố gắng học tập, công tác tốt. Và dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng không ngừng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, vươn lên để không hổ thẹn với anh linh người liệt sĩ giáo viên Hà Văn Ly.