Người phụ nữ dân tộc Tày không cam chịu đói nghèo

12:56, 15/09/2018

Với 2ha trồng cây dược liệu, 1 ha rừng, ao cá và hàng trăm cây ăn quả các loại, mô hình kinh tế của chị đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều người dân trong vùng đến học tập kinh nghiệm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Đài còn tích cực giúp đỡ nhiều phụ nữ nghèo trong xã vươn lên phát triển kinh tế.

Trong căn nhà 5 gian thoáng mát, chúng tôi nhìn ra vườn nhà chị thấy nhiều loại cây trái như bưởi, hồng, chuối, táo... Phía lối cổng đi vào là những luống Dây Thìa canh xanh tốt. Chị Hoàng Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Ninh cho hay: Đây là một trong những mô hình kinh tế không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là mô hình thân thiện với môi trường. Chúng tôi thường đưa chị em trong và ngoài xã đến đây học tập kinh nghiệm.

Chị Đài sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em, vì thế tuổi thơ của chị luôn là những bữa cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Năm 1992, chị xây dựng gia đình. Thấm thía cuộc sống gia đình nghèo khó do thiếu vốn và kiến thức, không biết cách làm ăn nên chị luôn suy nghĩ phải làm thế nào để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Với 1 mẫu ruộng của bố mẹ để lại, vợ chồng chị vừa canh tác lúa vừa tích cực khai hoang và mua thêm được 2 ha đất ruộng, đất rừng. Năm 1993, từ một phụ nữ nghèo, chị vay vốn ngân hàng để thuê máy đào ao thả cá, chuyển đổi một phần đất trồng lúa một vụ sang trồng cây ăn quả. Hiện, trong vườn nhà chị có 100 gốc hồng, 150 gốc táo và 20 gốc bưởi diễn, 1ha rừng keo, mỗi năm mang về cho gia đình chị nguồn thu nhập đáng kể. Có tiền, chị xây được căn nhà mới 5 gian rộng rãi trị giá trên 300 triệu, mua sắm được các loại máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất và thoát khỏi hộ nghèo. Chị bảo, qúa trình tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cũng như tham quan cách làm tại một số địa phương khác trong tỉnh đã giúp chị có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2011, Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK thành lập, đóng chân trên địa bàn xã. Công ty có kế hoạch liên kết với các hộ dân trong vùng để xây dựng vùng nguyên liệu cây dược liệu, năm 2012, chị Đài đã mạnh dạn chuyển diện tích đất lúa còn lại của gia đình và thuê thêm 1 ha đất quanh xóm để đăng ký trồng Dây Thìa canh. Liên kết với Công ty, các hộ gia đình như chị được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, quy trình chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Chị Đài cho biết: So với trồng lúa thì trồng cây dược liệu như Dây Thìa canh tốn ít công và chi phí đầu tư, dễ trồng, chăm sóc, trồng một lần có thể cho thu hoạch 8-10 năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần. Hơn nữa, khi liên kết với Công ty, được hỗ trợ về cây giống, có cán bộ của Công ty hướng dẫn, theo dõi quy trình chăm sóc, chống sâu bệnh lại được bao tiêu sản phẩm khiến chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi. Dây Thìa canh sau khi trồng được 1 năm sẽ cho thu hoạch 3 lứa/năm, với diện tích khoảng 1,5 ha, mỗi năm thu được gần 30 tấn dược liệu tươi, mang lại thu nhập cho gia đình chị gần 200 triệu đồng.

Khi gia đình đã có của ăn, của để, chị suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ  bà con trong xóm, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị đã tạo việc làm cho 5 lao động trong và ngoài xóm, với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/người/tháng; cho vay vốn, cung ứng giống cây, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất... Hàng năm, chị giúp đỡ thường xuyên từ 2 - 3 hộ về giống và vốn với mục đích giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Hồ Thị Hậu, một người dân cùng xóm chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, chồng mất, một mình nuôi 5 đứa con, không có nhà ở, việc làm, chị Đài thương cảm nên giúp đỡ rất nhiều. Khi thì Chị giúp đồng tiền, bát gạo, khi thì động viên, hướng dẫn tôi cách làm ăn. Tôi đã làm việc cho chị Đài được 4 năm nay, tích cóp, vay mượn xây được ngôi nhà nhỏ, nhờ vậy cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, gia đình chị luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và nội quy, hương ước của địa phương. Nhiều năm liền nhà chị đạt danh hiệu Gia đình văn hóa và hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Mọi hoạt động ở xóm chị đều tham gia đầy đủ, tích cực như hiến 100m2 đất làm đường giao thông nông thôn, đóng tiền, ủng hộ tu sửa xây mới các công trình phúc lợi của xóm.

Từ những kết quả trên, chị Trần Thị Đài trở thành tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế và Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của xã, huyện.