Già làng của Bản Tèn

14:25, 02/11/2018

Gần 40 năm kề vai, sát cánh cùng những người con của bản, già làng Vương Văn Tiên, 78 tuổi, ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) thấu hiểu mọi nỗi khó khăn, vất vả của bà con. Bằng những lời nói, hành động, việc làm cụ thể, ông đã góp phần giúp đời sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây ngày càng tốt đẹp hơn.

Vượt những con dốc cao, chúng tôi đến xóm Bản Tèn - nơi được mệnh là xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất của tỉnh. Cả xóm hiện có trên 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, đều là người Mông. Nhà của già làng Vương Văn Tiên nằm khuất sâu trong xóm. Người dân nơi đây ai cũng kính trọng, nể phục ông, vì ông là một già làng gương mẫu, uy tín của bản. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, vẫn lên nương, làm rẫy... Ông bảo: “Mình còn sức thì mình cứ làm thôi. Mình chăm chỉ để còn làm gương cho con, cho cháu chứ!”.

Trong câu chuyện bên chén trà nóng, ông kể cho chúng tôi nghe về sự đổi thay trên mảnh đất này, đặc biệt là sự thay đổi trong tư duy, nếp nghĩ của bà con người mông Mông nơi đây.

Ông là một trong những người đầu tiên di cư từ Hà Quảng (Cao Bằng) đến vùng đất này tìm kế sinh nhai từ năm 1979. Thời gian đầu, cả xóm chỉ có khoảng chục nóc nhà dựng rải rác trên những ngọn núi cao. Cuộc sống của bà con vô cùng thiếu thốn bởi lúc bấy giờ quanh xóm toàn là đồi núi hoang vu, không có đường đi, không nước sinh hoạt, không điện thắp sáng…

Để tạo dựng cuộc sống mới, ông cùng các hộ dân trong xóm khai hoang, phát nương, làm rẫy, trồng ngô, lúa ở những nơi đất trống, đồi núi trọc. Khi đó, ông đảm nhiệm vai trò là Trưởng xóm đầu tiên của Bản Tèn. Vì vậy, ông luôn tự nhủ phải phát huy vai trò đầu tàu, góp công sức nhỏ bé của mình để đồng bào có cuộc sống no đủ. Ngày qua ngày, ông kiên trì vận động bà con trong xóm từ bỏ những thói quen, hủ tục, tập tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất, chịu khó học hỏi, chỉ bảo nhau cùng làm ăn để xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên.

Ông nhớ lại: “Hồi đó đồng bào mình còn mê tín lắm. Cứ đau ốm là cúng ma, giải hạn chứ không chịu uống thuốc. Có lần, anh Lý Văn Dì ở trong xóm bị ốm nặng, đã thuê thầy cúng nhiều ngày vẫn không khỏi. Nghe tin, mình đến xem xét tình hình, bảo gia đình mang xuống trạm xá xã cho cán bộ khám, họ không nghe. Cúng đến ngày thứ 3 thì nguy lắm rồi. Mình phải chạy bộ xuống xã, nhờ cán bộ về khuyên giải mãi gia đình mới chịu cho bác sĩ khám và uống thuốc. Chỉ mấy ngày sau thì lành bệnh”.

Đi tìm căn nguyên của hủ tục, ông nhận ra: “Đồng bào mình bản tính thật thà, lại ít chữ, nhiều khi chính sách của Đảng, Nhà nước đưa về, không được áp dụng. Một phần vì nếp sống bấy lâu nay, phần vì họ không hiểu”. Nghĩ rồi, ông đến từng hộ trong xóm vận động con em đến trường. Ông luôn tâm nguyện, có “cái chữ”, đồng bào sẽ nghĩ sáng hơn, xây dựng cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc hơn.

Giai đoạn ông từng làm Trưởng xóm hay cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn hết lòng vì công việc chung. Trong đó, việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự được ông đặc biệt chú trọng.

Ông cho biết: “Đồng bào mình tuy thật thà, chất phác nhưng nhiều khi còn nhẹ dạ, cả tin lắm. Vài năm trước, nhiều người nghe theo kẻ xấu tham gia vào các tổ chức đạo lạ, hoạt động trái pháp luật, bỏ bê cả việc nương rẫy nên cuộc sống đã nghèo lại càng nghèo thêm. Bởi thế, tôi luôn vận động bà con không theo các tổ chức bất hợp pháp và không tham gia hoạt động của các loại tà đạo. Nhiều trường hợp, tôi đến từng nhà vận động, giải thích để họ hiểu ra cái đúng, cái sai, nếu không tự mình vươn lên mà chỉ trông chờ, ỷ lại vào người khác thì sẽ không bao giờ hết đói khổ. Bà con thấy tôi nói có tình, có lý nên đã sản xuất trở lại”.

Cùng với đó, ông tuyên truyền để bà con biết tận dụng tối đa sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho người Mông. Đặc biệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ông luôn tiên phong đưa những giống, con mới vào trong sản xuất. Đơn cử như việc ông đưa vào trồng giống ngô lai như NK4300, CP888… thay thế giống ngô địa phương cho năng suất tăng gấp gần chục lần so với trước. Bà con thấy được hiệu quả nên đã cùng nhau chuyển đổi sang trồng ngô lai.

Bây giờ, bà con sản xuất được nhiều ngô, đường giao thông cũng được Nhà nước đầu tư, đi lại thuận tiện hơn nên thương lái về tận nơi thu mua. Nhờ đó, một số hộ dân trong bản đã có tiền mua xe máy, tivi và làm được những ngôi nhà chắc chắn…

Suốt những năm qua, già làng Vương Văn Tiên đã trở thành “điểm tựa” của đồng bào người Mông nơi núi cao Bản Tèn. Cũng chính nhờ sự tin tưởng, uy tín của già làng, bà con dễ dàng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; đề đạt nguyện vọng chính đáng của mình với cấp ủy, chính quyền, là “sợi dây” nối liền giữa Đảng với người dân. Nhờ đó đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Với những đóng góp của mình, ông đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành. Năm 2014, ông được nhận Kỷ niệm chương của Hội Người cao tuổi Việt Nam vì đã có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.