Người phụ nữ nhân hậu

09:07, 08/11/2018

Đó là cô Đào Thị Nhung, ở tổ dân phố Làng Mới, phường Bách Quang (T.P Sông Công). Cô Nhung đã hơn 50 tuổi nhưng có dáng người trẻ trung, nhanh nhẹn. Người dân sống quanh đây gọi cô là “bảo mẫu” xóm trọ. Bởi 7 năm qua, cô tự nguyện giúp đỡ công nhân ở trọ nhà mình đón và trông coi các cháu nhỏ vào mỗi buổi chiều tan học về.

Hiện, cô trông giúp 5 cháu nhỏ, trong đó có 3 cháu ở độ tuổi mầm non và 2 cháu đang học ở trường tiểu học. Bố mẹ các cháu đều là công nhân thường xuyên phải đi làm về tối và không có người thân bên cạnh để nhờ đón con tan học.

“Nhiều lần tôi chứng kiến các cô công nhân đang đi làm phải xin về tranh thủ đón con rồi loay hoay không biết nhờ ai trông hộ để về công ty làm việc tiếp. Các cháu lớn hơn một chút, bố mẹ thường cho ở phòng trọ một mình, ăn tạm cơm hộp buổi tối, nhìn rất tội nên tôi tự nguyện giúp đỡ để bố mẹ các cháu yên tâm làm việc.”- Cô Nhung cho biết.

Qua trò chuyện, chúng tôi còn biết, ngoài trông hộ các cháu nhỏ, cô Nhung còn trông cả 5 cháu nội, ngoại của mình. Các cháu cũng ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Vì thế, mỗi buổi chiều tan học, cô Nhung phải mất 2 tiếng mới có thể đón 10 cháu nhỏ. Sau đó lại bận rộn với công việc “bảo mẫu” như tắm rửa, lo ăn uống, trông nom các cháu vui chơi và học bài.

Khi chúng tôi hỏi về khó khăn, cô Nhung cười, nói: Có người bảo tôi “ôm rơm nặng bụng” nhưng tôi không nghĩ vậy, trái ngược lại tôi thấy mình còn khỏe mạnh, vui vẻ hơn vì được làm công việc thực tâm mình mong muốn. Tôi giúp đỡ các cháu nhỏ vì nhiều cháu có hoàn cảnh rất đáng thương, như cháu Đỗ Duy Khách, con của chị Nguyễn Thị Hà - công nhân may của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Chi nhánh Sông Công. Gia đình cháu thuê trọ ở đây từ lúc cháu lọt lòng. Ngày sinh cháu Khánh, bố cháu phải đi làm ăn xa, ông bà không xuống kịp, tôi phải đưa chị Hà đi viện cấp cứu và chăm sóc cháu Khánh những ngày đầu. Năm cháu Khánh vừa tròn 2 tuổi, bố cháu không may mất do một tai nạn lao động. Tôi đích thân đưa mẹ con chị Hà về nhà lo ma chay cho chồng và động viên gia đình sớm vượt qua nỗi đau.

Nếu cháu Khánh mồ côi cha từ nhỏ thì cháu Ngô Thị Thu Thủy, con công nhân Lại Thị Huyên thì bố lại không được khỏe mạnh như người bình thường. Còn hai chị em cháu Lê Hương Trà và Lê Hương Quỳnh, con của công nhân Lại Thị Thu Hiền thì bố mẹ vừa mới ly hôn, cả hai cháu sống cùng mẹ.

 Cảm động trước tấm lòng của cô Nhung, những người được cô giúp đỡ nhiều lần muốn biếu cô một chút tiền để tỏ lòng biết ơn nhưng cô nhất định từ chối. Không chỉ công nhân mà ông bà của các cháu nhỏ còn lặn lội đường sá xa xôi xuống thăm hỏi và biếu quà nhưng cô Nhung cũng không nhận. Cũng nhờ tình cảm chân thành của cô nên các cháu nhỏ và bố mẹ các cháu rất biết ơn và quý mến cô Nhung như người một nhà.

Cháu Trương Ngọc Mai, 8 tuổi, con của anh Trương Ngọc Huy ở xóm trọ nói: Sinh nhật năm nào, cháu cũng xin bố mẹ cho tổ chức ở xóm trọ để mời bà Nhung sang chơi. Cháu quý bà lắm! Vì bà hiền hậu, bảo ban cháu không được chơi ở gần bờ ao sau nhà, tự ý chạy ra đường hoặc đi theo người lạ…

“Yêu trẻ, trẻ đến nhà”, trong căn nhà của cô Nhung mỗi ngày lại rộn rã tiếng cười trẻ thơ và ấp áp tình người. Những đứa trẻ đi học về cứ tíu tít, âu yếm lấy cô như người thân của mình. Đây có lẽ là món quà quý giá mà cô Nhung mong nhận lại được khi làm công việc này.