Ông Phạm Văn Lưỡng, sinh năm 1929, cán bộ tiền khởi nghĩa ở tiểu khu Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) rất tự hào khi kể với chúng tôi về quãng thời gian tham gia hoạt động cách mạng và công tác của mình. Ông bảo: 41 năm phục vụ cách mạng, tôi chỉ biết làm việc cho tập thể, không tư lợi hay kêu ca khó khăn, chưa bao giờ phạm khuyết điểm và không suy nghĩ tiêu cực.
Tôi thấy mình may mắn khi được gặp, trò chuyện với những người cao tuổi như ông Lưỡng. Ở họ có cả kho tàng kiến thức, nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử. Ông Lưỡng năm nay đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn khỏe mạnh, giọng nói hào sảng và tinh thần minh mẫn.
Ông Lưỡng lớn lên ở Hà Nội, học Trường tư thục Thăng Long (nay là Trường Tiểu học Thăng Long). “Tôi được ông Minh, Chủ nhiệm Báo Việt Cường, là cán bộ Việt Minh bảo: Chỉ có đi làm công nhân mới có điều kiện hoạt động cách mạng. Vậy là tôi đi học ở Trường Kỹ thuật công nhân, sau đó, năm 1944, giấu gia đình về làm ở Nhà máy Đèn Hà Nội”. - Ông Lưỡng kể.
Khi làm công nhân ở Nhà máy Đèn Hà Nội, ông được kết nạp vào Đội Vũ trang tuyên truyền và Đội Danh dự thành Hoàng Diệu - tiền thân của lực lượng vũ trang Thủ đô sau này. Nhiệm vụ của ông và các đội viên là tham gia tuyên truyền ở các chợ, rạp chiếu bóng, nhà hát... và rải truyền đơn, dán áp phích, pa nô cho nhân dân. Do nhanh nhẹn, tháo vát, ông được chọn vào Tổ tự vệ, tham gia tập quân sự, đánh du kích, sử dụng vũ khí ở Sân bãi Sép Tô (Sân vận động Hàng Đẫy ngày nay) và khu vực đền Voi Phục, chùa Láng.
Ông Lưỡng đã cùng Đội đã tham gia một vụ giết sĩ quan người Nhật chuyên rình bắt những người đi dán truyền đơn. “Khi đội viên của ta phát hiện hắn giả làm ăn mày trên phố, Tổ ám sát do ông Văn Cao (nhạc sĩ Văn Cao) đã tập trung bao vây và giết hắn ở gần khu vực Nhà máy Thép, phố Đội Cấn (Hà Nội).” - ông Lưỡng kể.
Thời điểm ở Tổ tự vệ, thấy cậu thanh niên Phạm Văn Lưỡng nhanh nhẹn, thông minh, tháo vát, ông Vũ Oanh (trong Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thời kỳ bí mật) đã giao nhiệm vụ liên lạc hoạt động cách mạng giữa Hà Nội - Thái Nguyên (cụ thể là xã Phấn Sức (nay là Phấn Mễ), Phú Lương). Khi ấy, phong trào cách mạng của xã Phấn Sức phát triển mạnh, nhất là ở xóm Hái Hoa và Làng Cọ. Đầu mối giữ liên lạc của ông Lưỡng ở địa bàn là các cụ Lâm Đình Phòng (nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Lương) và Chu Quang Vinh. Khi đang làm việc ở Thái Nguyên, đêm 18/8/1945, ông nhận lệnh về Thủ đô thực hiện nhiệm vụ cùng các đội viên chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ.
Cuối năm 1945, ông đi học quân chính ở Trường Gia Long (Hà Nội) rồi vào Nam chiến đấu, tiếp theo chuyển sang chiến trường Campuchia. Sau này, với lợi thế biết tiếng Pháp, ông Lưỡng được giao nhiệm vụ ở Bộ Tham mưu Liên khu 5. Năm 1959, ông được kết nạp vào Đảng. Một năm sau, do bị thương, ông chuyển ngành ra Bắc công tác ở các đơn vị luyện kim và than như: Mỏ đá Núi Voi, Công ty Gang thép Thái Nguyên, Mỏ than Phấn Mễ... Từ năm 1983 đến năm 1987, ông làm Phó Giám đốc Mỏ than Làng Cẩm, rồi về nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động và có nhiều đóng góp ở địa phương, được nhân dân yêu mến, kính trọng. Nói về đời tư, ông nhắc nhiều và luôn cảm ơn người vợ là bà Nguyễn Thị Mẫn, hậu phương vững chắc để ông yên tâm hoạt động cách mạng và công tác suốt những tháng năm sau này. Bà Mẫn nói: Vợ chồng tôi sinh được 5 người con gái đều đã thành đạt. Ông nhà tôi sống giản dị, rất hiền lành, yêu thương các con nhưng cũng nghiêm khắc trong việc dạy dỗ chúng.
Quá trình hoạt động cách mạng và công tác, ông Lưỡng đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành. Song, điều khiến ông hạnh phúc nhất là mình luôn giữ được phẩm chất đạo đức của người đảng viên. Sự hy sinh, cống hiến, tinh thần cách mạng cao đẹp của những cán bộ tiền khởi nghĩa như ông Lưỡng sẽ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo.