Chiều cuối năm, khi cơn mưa dai dẳng vừa tạm dứt, chúng tôi lên đường vào xóm Bãi Vàng, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ để mục sở thị cái khó của người dân ở nơi vùng sâu này. Sau mưa, con đường đất lầy thụt, vệt bánh xe tạo ra những rãnh sâu trên đường, có đoạn đến gần đầu gối.
Chúng tôi gặp vài người trên đường, chân mang ủng, nhìn dụng cụ cầm tay, tôi đoán họ mới đi làm nương, bãi về. Tôi bắt chuyện: Thời tiết này các bác vẫn lên bãi sao? Câu trả lời của họ khiến chúng tôi khá bất ngờ: Lên dọn bãi để chuẩn bị đón lứa chè Xuân, không đi làm, Chủ tịch xã xuống phê bình đấy!
Vị Chủ tịch mà bà con nhắc đến chính là anh Đào Ngọc Khánh, nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Hỷ trước khi được luân chuyển về đảm nhận vị trí Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến. Câu chuyện của bà con khiến chúng tôi tò mò và muốn có một cuộc nói chuyện với anh dù không hẹn trước.
Đến trụ sở UBND xã Hợp Tiến, vừa lúc anh Khánh đang tiễn một người dân ra đến trước sảnh, tôi nghe rõ anh dặn dò ông cụ: Ông cứ yên tâm về, cần gì cháu sẽ nói anh em qua nhà thông tin cho ông, ông không phải đi lại nữa.
Sau đó, câu chuyện của chúng tôi diễn ra gần gũi, thân tình, bỏ qua hết những nghi thức xã giao, câu lệ.
- Anh Khánh về Hợp Tiến nhận công tác được bao lâu rồi nhỉ?
- Ba năm rồi.
- Thế là đủ thời gian đi cơ sở theo quy định. Anh đã có dự định gì mới chưa?
- Đủ rồi, nhưng nói thật mình thích ở xã hơn. Trừ khi tổ chức điều động thì phải chấp hành chứ tớ không xin về.
- Nhận công tác ở một địa bàn xa trung tâm huyện và điều kiện còn nhiều khó khăn như ở Hợp Tiến, anh có tâm tư không?
- Nói thật là có, nhưng tâm tư không phải cho mình mà nghĩ đến bà con. Chính bởi bà con phần lớn còn nghèo nên mình càng muốn ở lại để mong giúp ích được gì đó cho địa phương.
- Còn một vị trí công việc có thể cao hơn trước khi luân chuyển, anh không nghĩ đến thật sao?
Anh cười hào sảng, nửa đùa, nửa thật: Làm quan có số. Mình đang làm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, hầu hết chỉ phải chuyên tâm vào một lĩnh vực đấy thôi, khi được tổ chức điều động về làm Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, bạn biết đấy, công việc ở cơ sở muôn hình muôn vẻ, mảng nào cũng phải đụng tới, nếu không nắm vững không thể làm được. Từ làm một việc giờ đã làm được nhiều việc, như thế coi như là “tấn tới” rồi.
Rồi anh trầm ngâm: Mọi người vừa ở Bãi Vàng ra thì biết đấy, tiềm năng của Hợp Tiến là rất lớn, đất trồng rừng nhiều, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè phát triển, nhưng tại sao lại chưa phát triển được là điều mình trăn trở nhất. Rừng keo sau 5 đến 7 năm, mỗi ha có thể cho thu về hàng trăm triệu đồng. Còn cây chè, tại sao mình lại khẳng định vậy?! Tại vì ở đây bà con chủ yếu bán chè tươi mà thương lái họ đến mua đều nói rằng chè Hợp Tiến về qua công đoạn sao, sấy cho rất lượng rất tốt. Nằm giáp Hợp Tiến là xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), người ta đã xây dựng được thương hiệu chè Bản Ven với giá bán vài trăm nghìn đồng/1kg. Sát cạnh nhau tại sao họ làm được, ta lại không làm được, phải chăng là do người dân còn chưa thực sự chăm chỉ, còn thiếu kiến thức?
- Anh đã trao đổi điều này với bà con?
- Có, tớ đã nói điều này mỗi lần xuống xóm. Lý do bà con đưa ra cũng nhiều, nào là nhà neo người không thể chăm sóc diện tích chè lớn, nào là người ta có kỹ thuật mới làm được chè bán giá cao… Nhưng tớ bảo chung quy vẫn tại chữ “lười”, là do chúng ta chưa thật sự cố gắng. Để chứng minh điều đó, dịp Tết năm vừa rồi, tớ tổ chức cho 30 hộ làm chè lên tham dự Lễ hội chè của xã Minh Lập. Sau đó đưa đi thăm quan mô hình của một số hộ cụ thể. Trước khi đi, tớ đã dặn kỹ, đến đó, các bác, các anh, chị nhớ hỏi xem nhà họ có bao nhiêu người, diện tích chè họ đang chăm sóc là bao nhiêu, giá chè người ta bán thế nào. Khi về mọi người rôm rả trò chuyện, bàn thảo với nhau rằng sao nhà ông nọ bà kia chỉ có 2 lao động chính mà vẫn làm 2 mẫu chè; giá bán mỗi cân lên tới vài trăm nghìn đồng; có thời điểm họ bán chè tươi đắt ngang ngửa giá chè khô của mình.
- Có vẻ bà con đã nói đúng những điều anh muốn nghe.
- Đúng là như vậy. Lúc đó tớ mới hỏi lại, vậy nhà các bác có 2, 3 người thì có phải thực sự là không làm được không? Mọi người có vẻ đã hiểu vấn đề và đều quả quyết là sẽ thay đổi và làm bằng được. Cùng với đó, tớ cùng với cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp dạy về kỹ thuật chăm sóc và chế biến chè cho bà con trong xã. Tất nhiên, tư duy đã ăn sâu trong tiềm thức không dễ gì thay đổi nhưng tớ nghĩ rằng bước đầu đã tạo ra được những hiệu ứng tốt để khích lệ người dân. Dần dần chúng tớ cũng đang tính để xây dựng mô hình sản xuất chè VietGAP trên địa bàn, nhằm từng bước nâng cao vị thế cho sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, chúng tớ cũng đã mời đại diện Liên minh Hợp tác xã về tư vấn, tuyên truyền, định hướng cho bà con để tiến tới thành lập Hợp tác xã. Vì ngoài keo và chè ra, Hợp Tiến còn có tiềm năng lớn về cây tre phấn. Từ nguồn nguyên liệu này, nhiều hộ dù mới chỉ sản xuất tăm tre quy mô hộ gia đình nhưng đã cho thu nhập vài ba tỷ đồng mỗi năm. Nếu có thể tập hợp lại thành HTX, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.
Trung tâm xã Hợp Tiến.
- Ngoài phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì điều gì ở Hợp Tiến làm anh trăn trở nữa?
- Đó là việc từng bước tạo dựng nề nếp chuyên nghiệp hóa cho đội ngũ cán bộ, công chức xã và việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số. Cũng như bà con thôi, để thay đổi thói quen với nhiều anh em cán bộ công chức xã là không dễ, nhưng tớ cũng vừa phải động viên vừa phải quán triệt. Từ giờ giấc đến tác phong làm việc, lấy mình làm gương nên chỉ một thời gian ngắn anh em đều ủng hộ và chấp hành rất tốt. Song song với đó, đặc thù của Hợp Tiến, 70% số dân là đồng bào dân tộc Dao, làm sao giữ lại được bản sắc văn hóa của đồng bào là điều chúng tớ đang nỗ lực. Trước hết, vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, xã sẽ tổ chức Hội Xuân cho bà con, trong đó có tổ chức các trò chơi dân gian và trình diễn một số nghi thức truyền thống của người Dao như lễ cấp sắc, lễ tơ hồng… Hợp Tiến sẽ phối hợp với xã Cây Thị cùng tổ chức hoạt động này. Chúng tớ đã bàn bạc và thống nhất, mỗi xã đăng cai tổ chức một năm, vì nhân dân 2 xã có những nét tương đồng và mối quan hệ khá khăng khít với nhau.
Trong một tiếng, không thể đủ thời gian để được nghe những dự định của anh và những điều anh muốn làm cùng người dân Hợp Tiến. Nhưng có một điều chúng tôi cảm nhận được qua những việc anh đã, đang và muốn làm đó đều là tâm huyết, là những kế hoạch dài hơi. Điều đó khiến chúng tôi tin rằng, cái đích của người cán bộ khi được luân chuyển về cơ sở không phải chỉ là được quay về và cất nhắc vào vị trí cao hơn.
Chia tay nhau, chúng tôi hẹn anh Khánh sẽ trở lại cùng bà con tham dự Hội Xuân của đồng bào Dao vào dịp Tết năm nay.