Tình nguyện dẫn học sinh sang đường

10:59, 06/02/2019

Gần 10 năm nay, không kể ngày mưa hay nắng, ông Phạm Văn Khương, ở tổ 5, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) đều dạy sớm để kịp dắt học sinh Trường Tiểu học Độc Lập sang đường nhằm bảo đảm an toàn (ảnh). Ban đầu, một số người nói ông "hâm" khi “rỗi hơi lo chuyện thiên hạ” nhưng đến nay, ai cũng yêu mến và trân trọng việc làm có ý nghĩa của ông.

Trường Tiểu học Độc Lập ở gần nhà ông Khương. Sáng sớm và buổi chiều là thời điểm có nhiều phụ huynh đưa, đón con em mình nên thường xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ ở cổng trường, gây mất an toàn giao thông. Trước thực trạng đó, nhiều năm nay, ông Khương đã túc trực ở gần Trường, đón các cháu nhỏ, rồi đưa sang đường an toàn.

Chị Lê Thị Tâm, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Độc Lập nói: Nhiều hôm tôi có việc bận nên đưa con đến Trường sớm, vừa dừng xe, ông Khương đã chạy ra đón cháu, xách giúp cặp và dắt con tôi sang đường. Không riêng con tôi, nhiều cháu nhỏ cũng thường xuyên đuộc ông Khương thay bố mẹ dẫn các cháu sang đường an toàn.

Hình ảnh người đàn ông dong dỏng cao, khuôn mặt hiền từ có mặt gần cổng trường buổi sáng và chiều giúp các cháu sang trường đã trở nên quên thuộc với nhiều người. Ông Nguyễn Văn Sơn, bảo vệ của Trường Tiểu học Độc Lập cho biết: Tôi làm ở đây hơn 3 năm đều thấy ông Khương tình nguyện dắt học sinh qua đường. Khu vực cổng trường học giờ cao điểm lúc nào cũng đông và ùn tắc nên việc làm của ông ấy thật đáng biểu dương.

Còn bà Vũ Thị Huệ ở tổ 4, phường Trung Thành, sống gần cổng Trường Tiểu học Độc Lập thì nói: Nhiều năm nay, tôi chứng kiến ông Khương sáng, chiều nào cũng ra cổng Trường đón, dắt tụi trẻ sang đường. Nhất là những hôm mưa, thường tắc đường, ông Khương còn làm cả việc phân luồng giao thông.

Ông Khương sinh năm 1963, năm 1984 sau khi xuất ngũ, ông về làm ở Phòng Kế hoạch – Kinh doanh, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Người đàn ông ở tuổi ngũ tuần cười giản dị khi chúng tôi hỏi về việc làm này của mình. Ông bảo: Tụi trẻ như con cháu trong nhà tôi, tôi yêu quý nên muốn giúp các cháu thôi. Bà xã tôi ban đầu bảo ông hâm lắm, dậy sớm chạy sang làm việc không công rồi lại tất tả trở về kịp giờ đi làm. Nhưng rồi biết việc làm của tôi góp phần giảm ùn tắc giao thông ở cổng trường thì bà lại đồng tình. Làm mãi thành quen, sớm nào không gặp tụi nhỏ, không được nghe tiếng cười, tiếng ríu rít “chào ông, ông ơi, cảm ơn ông ạ” là cảm giác thiêu thiếu. Niềm vui nhỏ nhỏ vậy thôi nhưng tiếp thêm cho tôi nhiều động lực để tiếp tục làm công việc đưa các cháu qua đường!