Về xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên), tìm đến các địa chỉ cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi, chúng tôi như lạc vào miền đất có 4 mùa quả chín. Từ những năm thập niên chín mươi của thế kỷ trước, vùng đất xã Linh Sơn được thức dậy bởi các loại cây ăn quả, rau tươi và hoa, song nhiều nhất là cây ổi. Bởi thế, trong phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhiều hội viên tự hào mình là CCB làng ổi.
Chuyện làm giàu, CCB Nguyễn Văn Phụng, xóm Thông Nhãn chia sẻ: Sau thời gian phục vụ trong quân đội, trở về địa phương, chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ là gương mẫu trước các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, hăng hái giúp đỡ đồng đội và người dân. Đó là cách tốt nhất để mỗi CCB đóng góp công sức xây dựng quê hương… Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa giảm hộ nghèo tại Linh Sơn, Hội CCB xã là một trong những tổ chức hội, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả. Minh chứng là kết quả thi đua năm 2018, Hội được Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; UBND T.P Thái Nguyên khen thưởng “Vì đã có thành tích trong công tác quản lý vốn tín dụng ngân sách năm 2018”; cá nhân đồng chí Chủ tịch Hội cũng được Tỉnh Hội tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Để đạt được thành tích trên, Hội CCB xã Linh Sơn đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, giữa các hội viên CCB luôn tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng vượt lên khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Điển hình như gia đình CCB Lê Văn Khánh - Bùi Thị Lan, CCB chi hội Khánh Hòa. Bằng mô hình chăn nuôi lợn khép kín, kể từ lợn sinh sản đến lợn thịt với quy mô hơn 1.000 con/lứa, đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Trang trại chăn nuôi của vợ chồng hội viên CCB Khánh - Lan được duy trì, phát triển từ 15 năm nay. Tuy giá lợn thương phẩm bấp bênh, song là “người lính” trên mặt trận làm giàu, 2 người đã giữ vững “trận địa”, bảo toàn vốn đầu tư, ổn định phát triển trang trại, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương. Ghi nhận những thành tích đạt được, năm 2014, ông Khánh được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba.
Sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất, song quan trọng hơn là cách đầu tư vốn và cách làm mang lại hiệu quả cụ thể. Ví như gia đình CCB Hoàng Văn Huấn, chi hội Làng Phan đầu tư vốn chăn nuôi gà trang trại. Gia đình CCB Lê Hồng Chính, chi hội Lam Sơn đầu tư vốn làm chuồng trại, nhà lưới nuôi chim bồ câu Pháp. Từ chăn nuôi trang trại, gia đình ông Chính, ông Huấn đạt thu nhập từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm. Theo CCB Tống Trung Tuyến, chi hội Thanh Chử: Đầu tư cho chăn nuôi cần phải có một khoản vốn khá lớn, không phải ai cũng có. Nên hầu hết các gia đình hội viên CCB đều lựa chọn cách đầu tư truyền thống là “cần, kiệm”, lấy công làm lãi và tiếp tục mở rộng sản xuất trong gia đình bằng cách trồng cây ăn quả, cây hoa và rau xanh. Với 6.000m2 đất vườn, gia đình ông Tuyến đã cải tạo, bỏ cây vườn tạp, tập trung trồng ổi. Từ 3 năm gần đây, gia đình ông đạt thu nhập 180 triệu đến hơn 200 triệu đồng/năm. Cũng bằng cách đưa cây ổi trồng trên đất vườn, gia đình ông Nguyễn Văn Phụng, chi hội Thông Nhãn; Nguyễn Văn Phương, chi hội Tân Lập đạt thu nhập từ 190 triệu đến 250 triệu đồng/năm.
Năng động trong phát triển kinh tế vườn ở xã Linh Sơn phải kể đến các hộ Nguyễn Công Khanh, chi hội Bến Đò; Tạ Văn Hùng, chi hội Ngọc Lâm; Nguyễn Xuân Vịnh, chi hội Núi Hột… do đất sản xuất của gia đình không nhiều, nên ông Khanh, ông Hùng, ông Vịnh phải đi thuê thêm đất ruộng để trồng hoa, trồng rau an toàn. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chịu khó trao đổi kinh nghiệm với hội viên CCB có kinh nghiệm, nên mô hình trồng hoa, trồng rau xanh của các gia đình CCB này phát triển thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018 gia đình ông Khanh đạt thu nhập 250 triệu đồng/năm; gia đình ông Hùng đạt thu nhập 150 triệu đồng/năm; gia đình ông Vịnh đạt thu nhập 300 triệu đồng/năm. Hiện trong Hội có 34 gia đình hội viên đạt thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Để hội viên tự tin trong phát triển kinh tế gia đình, hằng năm Hội chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ mời cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên; phối hợp với các ngân hàng tổ chức tập huấn cho hội viên về sử dụng vốn vay mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; hướng dẫn cho từng chi hội có giải pháp giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho gia đình hội viên nghèo. Bằng cách như vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hội viên được tháo gỡ kịp thời. Thông qua Hội, Ngân hàng Nhà nước cho các hội viên CCB của xã vay với tổng vốn gần 4 tỷ đồng/năm; Hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hội viên vay với tổng vốn hơn 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra các chi hội tích cực xây dựng chân quỹ, tạo vốn phát triển sản xuất tại chỗ cho hội viên. Hiện chân quỹ toàn Hội trung bình đạt 728.000 đồng/hội viên, cá biệt có chi hội xây dựng chân quỹ đạt 1 triệu đồng/hội viên.
Nhìn từng vườn ổi xanh mướt, quả được bọc giấy bảo vệ như từng chùm hoa màu trắng tinh khôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội CCB xã tâm đắc: Ở mặt trận mới, những CCB chúng tôi luôn là người lính tiên phong. Nhất là trong những năm gần đây, địa phương xây dựng thương hiệu Ổi Linh Nham, xã Linh Sơn, hội viên CCB lại là những nhân tố nòng cốt, gương mẫu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu biểu là CCB Nguyễn Trung Nghĩa, chi hội Làng Phan được Hội Nông dân xã trưng tập, giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ nhãn hiệu. Chúng tôi tự hào về điều đó, vì cây ổi đã mang lại cho người dân xã Linh Sơn một cuộc sống ổn định hơn.