Thứ 6, 10/01/2025, 09:33

Nặng lòng với trẻ vùng cao

19:24, 03/04/2019

Nhiều người nghĩ và bản thân cô giáo Đinh Thị Kiều (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Chấn, Võ Nhai) có lúc cũng từng nghĩ mình sẽ chỉ công tác ở vùng cao vài năm rồi xin chuyển về gần nhà. Nhưng đến nay đã 21 năm cô tận tâm gắn bó với những mái trường và học sinh vùng cao, trở thành một cán bộ quản lý giáo dục xuất sắc, được Ngành và các cấp nhiều lần vinh danh .

Thành tích công tác của cô giáo Đinh Thị Kiều khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp nể phục: 3 lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trong đó, năm 2010 cô là 1 trong 3 cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh được Bộ khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia; năm 2016 cô là 1 trong 2 người thuộc ngành Giáo dục của tỉnh được Bộ vinh danh là cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu xuất sắc toàn quốc); 1 Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều Giấy khen của các cấp, ngành. Nhưng đối với cô, niềm vinh dự và hạnh phúc lớn nhất là nhận được sự tin yêu, quý mến của đồng nghiệp, phụ huynh và đặc biệt là của các thế hệ học sinh. Dần vượt qua những khó khăn vì hoàn cảnh công tác xa nhà, cô ngày càng yêu mến và nguyện gắn bó với mảnh đất, con người vùng cao, cống hiến hết khả năng như thể nợ nơi ấy một điều gì đó.

Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), năm 1998 giáo sinh Đinh Thị Kiều rời ghế giảng đường sư phạm và nhận công tác tại Trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai). Đó là nơi cô chưa từng biết đến và không nghĩ nó lại khó khăn, trắc trở về giao thông như vậy. Đường vào trung tâm xã phần lớn vẫn là đường mòn lởm chởm đá, dân cư rất thưa thớt và còn nghèo nên với không ít người, việc lo bữa ăn hằng ngày quan trọng hơn cho con đến lớp học. Không chút nản lòng, bao nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề được cô dồn vào công việc. Những lần ngã xe, những lúc phải đi bộ cả tiếng đồng hồ đến điểm trường lẻ càng khiến cô nỗ lực hơn để làm tốt việc “trồng người”.

Trong nhiều kỷ niệm của mình ở giai đoạn khó khăn ấy, cô giáo Đinh Thị Kiều kể lại với tâm trạng bùi ngùi: Có một số học sinh ở xa, bố mẹ các em phải cùng nhau dựng một túp lều gần Trường để chúng ở tạm. Một lần túp lều đơn sơ ấy bị cháy và mọi thứ bị thiêu rụi, chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Không giúp được gì nhiều cho học trò, tôi và các đồng nghiệp bảo nhau cùng chia sẻ từng gói mỳ tôm, gói muối nhỏ cho các em, thương yêu và động viên các em nhiều hơn để chúng tiếp tục học tốt.

Có tố chất và nhiệt tình trong công tác, năm 2002, cô Đinh Thị Kiều được cấp trên chỉ định sang làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Thần Sa khi mới 26 tuổi. Lúc này, Trường vừa thành lập, giáo viên chuyên môn mầm non không có, cơ sở vật chất không có (phải mượn tạm của Trường Tiểu học) và học sinh cũng chưa có. Kinh nghiệm quản lý và chuyên môn dạy mầm non cũng chưa có gì, cô bắt đầu công việc gần như từ con số không. Ngoài việc được đi tập huấn, cô dành nhiều tâm sức tự học hỏi, mày mò nghiên cứu, đồng thời nỗ lực xây dựng một tập thể đoàn kết, ra sức vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp.

Cùng với tích cực tham mưu hợp lý cho các cấp, ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bản thân cô cũng rất năng động trong việc vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ cho Trường. Vì vậy mà chỉ sau 4 năm thành lập, năm 2006 Trường Mầm non Thần Sa đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (sớm thứ 2 của khối mầm non huyện Võ Nhai). Trong giai đoạn xây dựng Trường, nhiều phụ huynh và đồng nghiệp còn ấn tượng mãi với hình ảnh cô Hiệu trưởng tự thiết kế và cùng mọi người miệt mài làm việc đến 3 giờ sáng để kịp hoàn thiện khu “Vườn cổ tích” cho trẻ vui chơi.

Năm 2014, cô giáo Đinh Thị Kiều được điều động sang làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Chấn, một địa bàn cũng xa xôi, khó khăn không kém xã Thần Sa. Trường hiện có 253 học sinh nhưng có tới 6 điểm trường, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trên 40% học sinh là con em gia đình thuộc diện nghèo. Tiếp tục phát huy những phẩm chất của mình ở môi trường mới, cô đã góp phần quan trọng giúp Trường trở thành một điểm sáng về giáo dục của huyện Võ Nhai: Nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; Chi bộ liên tục được công nhận Trong sạch vững mạnh tiêu biểu; các chỉ tiêu chuyên môn đều được Ngành đánh giá cao; công tác xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận (chỉ riêng năm học 2017-2018, Trường đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tài trợ đầu tư cơ sở vật chất và tặng quà trực tiếp cho học sinh trị giá khoảng 250 triệu đồng)…

Khi được hỏi về kinh nghiệm và kỹ năng quản lý, cô giáo Đinh Thị Kiều chia sẻ khiêm tốn: Tôi cố gắng làm việc hết khả năng, gương mẫu, chân thành và tôn trọng đồng nghiệp, gần gũi, chia sẻ với họ những lúc khó khăn. Như vậy, cả tập thể sẽ đồng tâm làm tốt nhiệm vụ. Học sinh vùng cao vốn đã thiệt thòi nhiều thứ, mình càng phải nỗ lực để các em được thụ hưởng những gì tốt nhất của giáo dục.