Triệu phú người Dao ở Mỏ Sắt

11:19, 27/11/2020

Anh Triệu Văn Lương, dân tộc Dao ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, anh là người đã và đang góp phần bảo tồn văn hoá của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Cách đây 6 năm, kinh tế của gia đình anh Triệu Văn Lương chủ yếu phụ thuộc vào 6 sào ruộng và hơn 1ha trồng cây phấn. Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, anh phải bươn trải đủ nghề từ thợ xây, thợ sơn cho đến chặt, vác gỗ thuê.Năm 2014, với số vốn dành dụm được, anh quyết định trở về quê đầu tư máy móc, thiết bị mở xưởng sản xuất tăm, tăm hương và củi nén. Anh Lương chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào sản xuất, do ít vốn lại chưa có nhiều kinh nghiệm vì thế hàng sản xuất ra còn hạn chế nên tôi gặp không ít khó khăn, có những thời điểm tưởng chừng như phải đóng cửa và quay lại công việc làm thuê như trước”.

Tuy nhiên, với ý chí, nghị lực vươn lên, sau 6 năm gắn bó với nghề, anh đã xây dựng cơ sở ngày một phát triển và trở thành xưởng sản xuất tăm, tăm hương lớn nhất trên địa bàn xã hiện nay. Xưởng của anh Lương có diện tích trên 3.000m2, sản xuất khoảng hơn 5 tấn nguyên liệu mỗi ngày, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm; đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 80 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Bà Bàn Thị Hồng, xóm Mỏ Sắt, cho biết: “năm 2015, tôi xin vào xưởng sản xuất của anh Lương làm. Công việc hằng ngày của tôi là chẻ tăm hương, với mức thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/tháng”. Còn chị Triệu Thị Thuý, xóm Suối Khách, nói: “Chúng tôi không chỉ được tạo việc làm mà còn được cở sở thu mua toàn bộ cây phấn của gia đình. Nhờ đó, giá bán ra ổn định không còn bị thương lái ép giá như trước đây”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lương còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của xóm, xã. Anh Triệu Văn Hai Hoàng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm cho biết: Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đóng góp kinh phí theo quy định của xóm, gia đình Lương còn ủng hộ thêm 10 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hoá xóm, hiến gần 50m2 đất lúa để làm đường giao thông. Ngoài ra, anh còn tham đóng góp ủng hộ kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo của xóm, xã.

Đặc biệt, là một người con của đồng bào dân tộc Dao, nhận thấy văn hoá của đồng bào dân tộc mình đang bị mai một dần, đầu năm 2020, anh Lương và 7 người dân khác đã thành lập Nhóm yêu thích trang phục, làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Dao. Anh Triệu Văn Lương tâm sự: Mặc dù đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn xã chiếm trên 72% (tổng số nhân khẩu của xã Hợp Tiến hiện nay gần 7.000) nhưng còn ít người sử dụng trang phục truyền thống cũng như những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Dao tại những ngày lễ hội, nhằm khuyến khích, động viên bà con mặc trang phục truyền thống khi tham gia lễ hội, các sự kiện quan trọng của địa phương…, tôi tặng quà hoặc tiền mặt từ 30.000 - 50.000 đồng/người cho những ai mặc trang phục truyền thống. Cụ thể tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa qua anh Lương đã tặng cho bà con nào mặc trang phục truyền thống đến dự của 4 xóm Đồng Trình, Cao Phong, Mỏ Sắt và xóm Bãi Bông với tổng số tiền 2 triệu đồng.

Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn có bản sắc văn hoá rất phong phú và đặc sắc. Trong đó, trang phục truyền thống được xem là một nét văn hoá độc đáo cần được bảo tồn và phát huy. Việc làm của anh Lương đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng ý thức bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc Dao.