“Tôi luôn mong muốn làm ra được sản phẩm vừa an toàn, vừa tốt cho sức khỏe người dân từ chính nông sản sẵn có ở địa phương”. Anh Dương Đình Quang (sinh năm 1993), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quang Hà, ở tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Giờ đây, sản phẩm dầu lạc của anh Quang không những được người dân địa phương ưa chuộng mà còn được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Đến cơ sở sản xuất dầu lạc của anh Dương Đình Quang, chúng tôi thấy một số người đang đợi để ép lạc lấy dầu. Công đoạn bóc vỏ, rang lạc, ép dầu… được thực hiện liên tục.
Vừa đổ lạc vào máy bóc vỏ, anh Quang vừa chia sẻ: Tốt nghiệp THPT năm 2011, sau đó tôi đi làm thuê cho các công ty, doanh nghiệp. Đến năm 2016, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương, tôi luôn nghĩ mình phải làm gì đó để sản xuất ra một sản phẩm vừa an toàn lại vừa tốt cho sức khỏe của người dân. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi thấy địa phương mình là huyện thuần nông, bà con trồng khá nhiều lạc. Nguyên liệu sẵn có là vậy nhưng người dân lại phải mang lạc đi xa để ép lấy dầu ăn nên tôi đã đến một số tỉnh để học hỏi và quyết làm.
Năm 2018, anh Quang đầu tư hệ thống máy ép dầu lạc trị giá hơn 100 triệu đồng. Chiếc máy này trung bình một giờ chỉ ép được 30kg lạc nhân, người dân đến ép lạc phải chờ khá lâu. Do đó, anh tiếp tục nghiên cứu và thay đổi dây chuyền máy với công suất ép cao gấp 5 lần.
Nói về những khó khăn khi mới khởi nghiệp, anh Quang chia sẻ: Lúc đầu bắt tay vào làm, do chưa có kinh nghiệm nên tôi ép hỏng nhiều. Dầu ép ra không có mùi thơm đặc trưng của lạc, không để được lâu; có mẻ rang chưa đủ độ chín, dầu ép còn có mùi ngai ngái của lạc sống; lạc ép ra không đủ lượng dầu… Có lúc cảm thấy nản nhưng tôi nghĩ làm bất cứ việc gì cũng cần tâm huyết, đam mê và có thời gian tích lũy kinh nghiệm nên quyết tâm làm bằng được.
Với suy nghĩ và quyết tâm đó, anh Quang đã sản xuất thành công sản phẩm dầu lạc. Người dân ở các xã: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Đức, Tân Hòa, Bàn Đạt… truyền tai nhau cứ đến mỗi vụ thu hoạch lạc lại phơi khô, làm sạch và chở đến cơ sở của anh Quang ép thành dầu để ăn quanh năm.
Để ép được những lít dầu thơm ngon, giữ nguyên vị đặc trưng của lạc phải trải qua các công đoạn: Bóc vỏ (bằng máy), loại bỏ hạt lạc xấu, hỏng; rang lạc (bằng tôn điện) khoảng 15 phút cho đến khi hạt lạc có mùi thơm như ý; ép lấy tinh dầu (còn bã của lạc bà con vẫn có thể sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi); lọc tạp chất, cặn; để lắng khoảng 15 ngày cho dầu có màu vàng óng, không bị lẫn tạp chất…
Trung bình 1 ngày, cơ sở của anh Quang ép được khoảng 500-700kg lạc vỏ. Cứ từ 2-2,5kg lạc nhân (lạc đã được bóc vỏ) sẽ ép được 1 lít dầu ăn (bán với giá 120 nghìn đồng/lít). Với cách tính này, 1 tháng anh ép được từ 2.000-2.500 lít dầu từ lạc, cho thu lãi từ 250-300 triệu đồng/năm. Còn nếu bà con mang lạc đến ép sẽ tính công với giá 4.500 đồng/kg lạc vỏ và 6.000 đồng/kg lạc nhân. Hiện nay, sản phẩm dầu lạc của anh Quang không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được người dân ở các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng, T.P Hồ Chí Minh… đặt mua thường xuyên.
Anh Quang chia sẻ thêm: Tôi đã liên kết với khoảng 200 hộ dân trồng lạc trên địa bàn, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nếu đảm bảo chất lượng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tôi cũng đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh với sản phẩm Dầu lạc Phát Lộc…