Trong hình dung ban đầu của tôi, cán bộ quản giáo là những người có gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu, nghiêm nghị và chỉ biết đến các quy định thi hành án hình sự khô khan. Điều này hoàn toàn thay đổi khi bản thân tiếp xúc với Trung tá Lương Hải Quân, Đội trưởng Phân trại Quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh. Khuôn mặt thiện cảm, sự gần gũi, cởi mở của anh không chỉ dành cho khách mà còn thường trực khi tiếp xúc với các phạm nhân, người biọ tạm giam, tạm giữ.
Chúng tôi đến Trại tạm giam Công an tỉnh một ngày đầu tháng 8. Sau những thủ tục nghiêm ngặt và cần thiết, tôi bước qua cánh cửa an ninh với rất nhiều lạ lẫm. Trại tạm giam ở biệt lập trên một khu đồi thấp, xa khu dân cư. Nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ được ngăn cách với khu giam giữ phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ bởi bức tường cao và khoảng sân rộng.
Tại Phân trại Quản lý phạm nhân, không khí dường như nhộn nhịp hơn so với ngày thường. Lý do là một số trường hợp vừa được xem xét, làm hồ sơ đặc xá trong dịp này nhờ cải tạo tốt. Mọi người cùng chung vui, phấn khởi với họ.
Phạm nhân Nguyễn Hữu Hoàng (nhà ở xã Hoàng Nông, Đại Từ) chịu án 2 năm tù vì tội sử dụng con dấu giả, phấn khởi: “Tôi rất vui vì được xét đặc xá, chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để về với gia đình”.
Cùng huyện Đại Từ, phạm nhân Nguyễn Văn Thủ, chịu án 17 tháng tù vì tội tổ chức đánh bạc nói: Quãng thời gian cải tạo trong này khiến tôi giác ngộ được nhiều điều, được học thêm nghề trồng trọt và chăn nuôi. Rất cảm ơn các cán bộ, nhất là thầy Quân đã luôn gần gũi, tận tình chỉ bảo”.
Ở Trại tạm giam Công an tỉnh, phạm nhân và những người bị tạm giam, tạm giữ luôn gọi “thầy” với cán bộ quản giáo như Trung tá Lương Hải Quân một cách tôn trọng và tự nguyện. Điều đó đúng với đặc thù công việc, bởi các anh không chỉ đơn thuần trông coi họ mà còn có nhiệm vụ giáo dục, cảm hóa làm thức tỉnh lương tâm trong con người của phạm nhân, giúp họ có suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động”. Mỗi buổi sáng, Trung tá Quân đều cùng các cán bộ phân trại đi từng dãy buồng để mở phòng giam kiểm danh, kiểm diện phạm nhân và không quên động viên họ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình.
“Những dịp thế này, chúng tôi bận hơn vì phải tổng hợp hồ sơ, đối chiếu các quy định và tổ chức xét giảm án hay đặc xã cho các trường hợp cải tạo tốt. Công việc rất nhiều, nhưng bản thân thấy vui vì sẽ có người được sớm trở về đoàn tụ với gia đình” - anh Quân chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống, bố và các cậu đều là công an, anh Lương Hải Quân sớm được định hướng trở thành cán bộ quản giáo. Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nhân dân, chuyên ngành Quản lý và Cải tạo phạm nhân năm 2004, anh được phân công về công tác và gắn bó với Trại tạm giam Công an tỉnh từ đó tới nay.
Trải qua nhiều vị trí công tác, anh bảo mỗi đối tượng ở đây đều có đặc thù riêng. Ví như đối tượng bị tam giam thường có tâm lý chống đối, chối tội. Trong thời gian chờ kết quả điều tra, xét xử, can phạm nghĩ ra trăm phương nghìn kế để “hành” cán bộ; có người lại thường xuyên ở trong tình trạng hoảng sợ, suy sụp, tuyệt vọng và sẵn sàng tự thương, tự sát bất cứ lúc nào.
Đối tượng đã thành án dù có “thuần” hơn nhưng cũng tìm cách tàng chữ các vật cấm như thuốc lá, điện thoại. Với án tử hình, phạm nhân lại có tâm lý thay đổi thất thường, lúc chán nản, buông xuôi, lúc lại chống đối quyết liệt. Chính vì vậy, cán bộ quản giáo phải luôn quan tâm sâu sát để có cách ứng xử phù hợp.
-Trực tiếp quản lý và thường xuyên tiếp xúc với phạm nhân, nguyên tắc trong công việc của anh là gì? - tôi hỏi.
Trung tá Lương Hải Quân trả lời: Đối với phạm nhân, tôi luôn quan điểm phải làm đúng trách nhiệm và quy định nhưng quan trọng nhất là nguyên tắc “tình người trong kỷ luật”. Mọi phạm nhân đều phải được đối xử công bằng, dùng sự chân tình, gần gũi để dần cảm hóa họ.
Anh Quân kể kỷ niệm vui: “Tháng 7 vừa rồi, trong dịp đi công tác qua T.X Phổ Yên, tôi tình cờ gặp lại một người từng ở trong trại là anh Lê Thành Đạt. Anh Đạt niềm nở qua mời uống nước và cảm ơn đã giúp đỡ trong quá trình cải tạo; lại vẫn còn xưng hô là thầy với em. Tôi bảo giờ ra xã hội rồi, chúng ta đều là công dân bình đẳng như nhau nên gọi anh em cho tiện. Biết anh đang làm cai thầu xây dựng, công việc ổn định nên tôi rất vui.
Hay trường hợp anh Nguyễn Văn Biên ở huyện Phú Bình, sau khi mãn hạn tù vẫn thường xuyên gọi điện và hẹn ngày lên thăm. Điều đáng nhớ là trong quá trình chấp hành án, anh Biên từng xô xát với phạm nhân khác lúc ăn cơm. Cán bộ quản giáo đã nhắc nhở và yêu cầu ra nhà học tập kiểm điểm, bản thân Biên lại có thái độ lăng mạ, chửi bởi lại. Phân trại đã khống chế và yêu cầu giam riêng trong buồng giam kỷ luật trong 10 ngày. Bản thân tôi sau đó đã dành nhiều thời tâm sự, chia sẻ những uẩn khúc chất chứa trong lòng để anh Biên thay đổi thái độ và thực hiện cải tạo tốt.
Gần 20 năm gắn bó với nghề, Trung tá Lương Hải Quân đã cảm hóa, “gieo mầm” hướng thiện cho rất nhiều phạm nhân trót đi theo con đường lầm lỡ. Tôi hỏi, đặc thù của công việc quản giáo vốn đơn điệu và chỉ bó hẹp trong phạm vi những bức tường rào, có khi nào anh cảm thấy nhàm chán ? Anh Quân cười bảo: Tôi yêu công việc này và tự tìm thấy niềm vui mỗi ngày. Cũng chẳng đao to búa lớn gì cả, đơn giản là được phạm nhân tin tưởng, chia sẻ về tâm tư, hoàn cảnh gia đình, nhận cuộc điện thoại hỏi thăm hay tình cờ gặp lại, biết được những người từng ở trại nay tái hòa nhập cộng đồng, thành đạt và có cuộc sống hạnh phúc...