Vượt qua những cung đường nhiều “ô trâu, ổ voi”, thậm chí có đoạn còn bị sạt lở nghiêm trọng, chúng tôi mới gặp được chị Hoàng Thị Mai, ở bản Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai). Chị là một trong số ít phụ nữ người dân tộc Mông được lựa chọn tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Qua những câu chuyện giữa chủ và khách, chúng tôi cảm nhận được lòng nhiệt huyết, khát vọng vươn lên của người phụ nữ 29 tuổi này.
Vốn là người con của quê hương Ba Bể (Bắc Kạn), năm 2012, chị Mai theo chồng về làm dâu ở miền đất Đồng Dong xa lạ. Khi ấy, cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ gặp muôn vàn khó khăn bởi sự thiếu thốn về vật chất, bởi những đêm nhớ mẹ và các em quay quắt…
Kể về tuổi thơ đầy khốn khó khi bố mất sớm, gia đình chịu cảnh mẹ góa, con côi, đôi mắt chị rưng rưng. Thời xa xưa ấy, thấy cô con gái cả có ước mong được học hành lên cao, mẹ chị đã tảo tần khuya sớm nuôi con ăn học đến hết lớp 12. Nhận bằng tốt nghiệp xong thì mẹ không thể lo được tiền cho chị học lên cao nữa nên đành “buông tay”.
Trở về quê giúp mẹ làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi 2 em ăn học, 2 năm sau (năm 2012), chị Mai đi lấy chồng. Dù vậy, trong chị luôn dâng lên một niềm khát khao mãnh liệt, đó là phải thoát khỏi cái đói, nghèo và vươn lên dựng xây một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây chính là lý do chị không ngại khó, ngại khổ hằng ngày chăm chỉ phát bãi trồng rừng keo (gia đình chị có 3.000ha keo lai); phát nương (5 sào) trồng ngô mong có nguồn thu nhập ổn định…
Dù đã cố gắng nhưng cuộc sống chưa được cải thiện là bao. Vì thể, vợ chồng chị quyết định để 2 con nơi quê nhà cho bố mẹ chồng trông giúp rồi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, lũ nhỏ mỗi ngày mỗi lớn nên cần bố mẹ ở bên để bảo ban, dậy dỗ… Vì thế, chị lại quyết định trở về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Chị bảo: Bao năm nay, mình ở nhà lo chu toàn mọi công việc trong gia đình để chồng yên tâm làm ăn nơi xa (ở Quảng Ninh). Ở nhà nên mình có thể tham gia mọi hoạt động của địa phương.
Để có nguồn thu nhập, thay vì trồng ngô, 5 năm nay, chị đã chuyển toàn bộ diện tích ấy sang trồng cỏ voi rồi mua trâu về vỗ béo. Với số tiền được ngân hàng cho vay thông qua tín chấp với Hội Phụ nữ xã (khoảng 100 triệu đồng), mỗi năm, chị mua 2 con trâu về nuôi. Khi mua, đôi trâu gầy gò là thế, chỉ sau một năm được chăm sóc đã trở thành con trâu mộng, có giá bán từ 45 đến 50 triệu đồng/con.
Mỗi năm bán trâu 1 lần, chị thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Chị cho hay: Nuôi trâu vỗ béo không khó nhưng muốn trâu phát triển tốt, nhà chủ phải tiêm vắc xin phòng các loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng… cho chúng. Đặc biệt là phải cho trâu ăn đủ chất từ tinh bột đến chất xơ, bảo vệ trâu thật tốt trong những ngày giá rét…
Hăng hái phát triển kinh tế gia đình, năm nay, vợ chồng chị Mai đã để được món tiền kha khá và dựng lại ngôi nhà khang trang hơn. Thăm ngôi nhà gỗ 3 gian hai trái với diện tích sử dụng khoảng 200m2, chúng tôi mừng cho sự nỗ lực của đôi vợ chồng trẻ, cảm phục sự vươn lên của người phụ nữ Mông nơi rẻo cao Đồng Dong.
Không chỉ là một hội viên phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế, chị Mai còn rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xóm. Là một trong những “diễn viên múa” xuất sắc của bản vùng cao này, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, rồi cả những ngày lễ như Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam(20-10)… chị đều tham gia với những điệu múa đẹp mắt mang sắc màu của đồng bào dân tộc Mông.
Chị nói: Điệu múa, lời ca giúp mọi người quên đi mệt mỏi sau những buổi lao động vất vả trên nương và đoàn kết, xích lại gần nhau hơn. Cùng nhau múa ca cũng giúp lưu giữ được những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Mông.
Hiện nay, chị Mai là một trong số ít những phụ nữ người dân tộc Mông ở Đồng Dong có trình độ văn hóa 12/12. Được học hành, lại đi làm công nhân ở nhiều môi trường khác nhau nên chị Mai là người hiểu biết, năng động. Bởi vậy, cách đây hơn 2 tháng, chị được mọi người tín nhiệm bầu làm Chi hội Phó Chi hội Phụ nữ Đồng Dong.
Dù mới tiếp cận vị trí công việc này nhưng chị Mai đã vạch ra nhiều kế hoạch cho tương lai. Chị bảo: Ở vùng cao, đời sống của hội viên phụ nữ còn nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, thời gian tới, tôi sẽ vận động chị em thực hiện mô hình chăn nuôi gà, vịt. Với lợi thế diện tích rộng, lại được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện khi đứng ra tín chấp với ngân hàng vay vốn cho hội viên, tôi tin mô hình này sẽ thành công.
Ông Dương Văn Mức, Bí thư Chi bộ Đồng Dong nhận xét: Chị Mai là người năng nổ, hoạt bát, chúng tôi tin tưởng chị sẽ góp phần đưa các chương trình, hoạt động của Hội Phụ nữ cấp trên đến với cơ sở, nhất là ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc Mông. Chúng tôi mong các cấp, ngành chức năng quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cho những cán bộ nữ người dân tộc thiểu số như chị Mai để tạo nguồn cán bộ ở cơ sở cũng như giúp người dân vùng cao có động lực vươn lên.