Ở xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ), anh Dương Văn Chung, sinh năm 1987, dân tộc Sán Dìu được biết đến là một trưởng xóm trẻ, năng động, nhiệt tình trong các công việc của địa phương. Không những vậy, anh còn là tấm gương trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Năm 2006, sau khi học xong THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Chung quyết định không tiếp tục học lên cao mà ở lại địa phương phát triển kinh tế. Sau một thời gian quanh quẩn với cây lúa, cây chè nhưng kinh tế gia đình cũng không mấy khấm khá, anh Chung quyết tâm tìm kiếm một hướng phát triển kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao.
Đến năm 2015, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, anh Chung quyết định đầu tư xây dựng chuồng để chăn nuôi rắn lấy trứng. Ban đầu, do nguồn vốn eo hẹp, chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên anh chỉ nuôi với số lượng 100 con rắn hổ mang bành và rắn hổ trâu, giống lấy từ một trại nuôi rắn tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Dần dần, nhận thấy rắn là loài dễ nuôi, lại cho thu nhập cao nên anh Chung tăng dần số lượng, đến nay trang trại của anh có trên 500 con rắn hổ mang bành và rắn hổ trâu đang trong độ tuổi sinh sản. Anh Chung chia sẻ: Nuôi rắn lấy trứng không quá khó. Chỉ sau 2 năm nuôi là rắn bắt đầu sinh sản. Lứa đầu tiên cả 2 loại rắn đẻ từ 10-15 quả, những năm tiếp theo đối với rắn hổ mang bành sẽ đẻ mỗi năm một lứa 25 quả trứng, rắn hổ trâu đẻ 2 lứa, mỗi lứa 30 quả. Trứng được các thương lái đến tận nhà thu mua hoặc có thể mang sang huyện Vĩnh Tường để tiêu thụ. Trung bình, mỗi quả trứng rắn có giá dao động từ 30-45 nghìn đồng, có thời điểm cao nhất lên tới 70-80 nghìn đồng/quả. Từ việc bán trứng rắn, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn giữ lại trứng để gây giống cho các lứa tiếp theo.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, anh Chung còn tích cực tham gia các phong trào của xóm, xã với vai trò là Bí thư Chi đoàn xóm Cầu Lưu. Năm 2016, anh được nhân dân trong xóm tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Thời điểm đó, Cầu Lưu là một trong những xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 60%, thu nhập bình quân chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm, hệ thống giao thông chưa được hoàn thiện... Đây cũng là những trăn trở của anh Chung khi tiếp nhận nhiệm vụ Trưởng xóm.
Anh nói: Để nâng cao mức sống cho bà con, tôi và các đoàn thể của xóm đến từng hộ nghèo trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng giúp đỡ phù hợp. Đồng thời, vận động 10 cơ sở chế biến lâm sản ở địa phương nhận người lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc; phối hợp với UBND xã và Phòng Lao động – Thương bình và Xã hội huyện giới thiệu người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các công ty, nhà máy; vận động bà con trồng thêm vụ màu trên diện tích hơn 50ha đất lúa 2 vụ...
Nhờ những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, đến cuối năm 2020, thu nhập của người dân trong xóm Cầu Lưu đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Xóm hiện chỉ còn 13 hộ nghèo và 37 hộ cận nghèo trong tổng số 150 hộ dân. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, nhân dân trong xóm đã hiến hơn 10.000m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Đến nay, hơn 2km đường trục chính và 3km đường ngõ của xóm đã được đổ bê tông, nhà văn hoá được xây dựng khang trang...
Nói về anh Chung, ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi nhận xét: Anh Chung đã phát huy được sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nói dân tin, làm dân theo. Nhờ sự hoạt động tích cực của anh và các hội, đoàn thể cũng như sự đồng lòng của nhân dân trong xóm, đến nay, xóm Cầu Lưu đã ra khỏi diện xóm đặc biệt khó khăn và trở thành một trong những xóm có phong trào phát triển kinh tế mạnh nhất trên địa bàn xã.