Thong dong với những ngày tháng nghỉ hưu, nhưng TS Hoàng Hữu Bội (nguyên là giảng viên Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên) vẫn dành nhiều tâm sức với sách vở, giáo dục.
Từ niềm đam mê sáng tác thời trẻ
Sinh quán tại Diễn Châu, Nghệ An, nhưng nhà giáo Hoàng Hữu Bội chủ yếu học tập, lập nghiệp và sinh sống ở ngoài Bắc. Dường như bản tính hay lam hay làm và chí tiến thủ của người xứ Nghệ đã giúp ông rất nhiều để tự mình vượt lên.
Những năm 60 của thế kỉ trước, giữa cái thời mà như nhà thơ Chế Lan Viên viết là “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”, trong giới thanh niên trí thức có phong trào “tam bất kì” - tức là bất kì đi đâu, bất kì làm gì, bất kì đãi ngộ ra sao. Hòa mình vào không khí ấy, sau khi học Sư phạm Trung cấp Trung ương tại Hà Nội, chàng trai Hoàng Hữu Bội tình nguyện lên Hà Giang dạy học.
Ông nhớ lại: “Chúng tôi hồi đó không mảy may nghĩ đến cái khó cái khổ. Lên Hà Giang, đúng là xa xôi thiếu thốn lắm, nhưng tôi cũng thấy rất thích sự yên bình và vẻ đẹp núi rừng nơi đây”. Thầy giáo trẻ nhiệt tình, tâm huyết ấy đã nhanh chóng khẳng định mình, được tín nhiệm làm Hiệu trưởng một trường cấp 2 ở đây.
Không chỉ say sưa với công việc dạy học, Hoàng Hữu Bội còn thực sự cảm thấy gắn bó và yêu quý cuộc sống nơi miền cao này. Có gì đó đầy vẫy gọi đã hối thúc thầy giáo trẻ viết thành áng văn giàu cảm hứng: “Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi. Khoảng trời sau dãy núi phía đông ửng đỏ. Những tia nắng đầu tiên hắt chéo qua thung lũng, trải trên đỉnh núi phía tây những vệt sáng màu lá mạ tươi tắn… Ven rừng, rải rác những cây lim đã trổ hoa vàng, những cây vải thiều đỏ ối những quả…”.
Niềm vui từ bản nhỏ được chia sẻ và tỏa đến học trò và bạn đọc cả nước khi bút kí Buổi sáng mùa hè trong thung lũng này của ông được đưa vào chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5. Ngoài ra, ông còn có bút kí Phiên chợ Quản Bạ được đưa vào chương trình lớp 4 của sách Tiếng Việt dành cho học sinh miền núi phía Bắc.
Vậy mới thấy rằng, không chỉ là một thầy giáo, ông còn đặc biệt hứng thú với sáng tác văn chương và thể hiện được năng lực sáng tạo ngay từ rất sớm. Đây có lẽ là một lợi thế quan trọng để một giáo viên dạy văn có tâm thế tốt, có khả năng cũng như sự hứng khởi và niềm đồng cảm để làm cầu nối văn chương với nhà trường, đưa văn chương đến với học trò. “Có lần tôi trở lại Hà Giang, gặp lại học trò cũ giờ là giáo viên dạy văn, cô ấy đem cuốn sách giáo khoa ra rồi hỏi về bài bút kí của thầy, lòng thấy bồi hồi, thấy nhớ những năm tháng gắn bó ngày xưa quá” - ánh mắt hướng về xa, giọng chậm rãi, ông kể…
Đến con đường nghiên cứu trọn đời
Sau này, có lẽ công việc và môi trường đã khiến ông ít có điều kiện hơn để đi vào sáng tác văn chương. Thế nhưng, ông vẫn tìm thấy niềm vui viết theo cách của mình, ấy là những cuốn sách về lĩnh vực phương pháp dạy học Văn - một con đường tiếp cận văn chương.
Trong suốt hơn 30 năm công tác tại Thái Nguyên, ông trải qua nhiều công việc khác nhau: giáo viên cấp 2; chuyên viên của Khu giáo dục Việt Bắc và Ti giáo dục Bắc Thái; Giảng viên của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên). Song hành cùng công việc chính là giảng dạy, ông vẫn đều đặn tìm tòi nghiên cứu về vấn đề tiếp cận tác phẩm văn chương, đặc biệt trong góc độ nhà trường.
Những ngày tháng về nghỉ hưu, nhà giáo Hoàng Hữu Bội vẫn say sưa với sách vở.
Những cuốn sách Dạy và học thơ cổ trường cấp 2 - 3 miền núi; Thiết kế bài học tác phẩm văn chương ở nhà trường phổ thông lần lượt được xuất bản, như một mối duyên, gắn ông với lĩnh vực phương pháp dạy học Văn.
Đến khi về nghỉ hưu, ông lại bắt tay vào biên soạn bộ sách Thiết kế bài học ngữ văn theo hướng tích hợp từ lớp 6 đến 12. Liên tục từ 2002 đến 2008, trong 7 năm ông đã biên soạn và cho xuất bản 7 cuốn sách. Trong đó, cuốn in số lượng ít cũng 5.000 bản, cuốn in số lượng nhiều thì lên đến 10.000 bản. Bộ sách còn đạt Giải thưởng Cuộc thi biên soạn sách tham khảo do Bộ GD&ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức.
Từ chỗ đam mê sáng tác, giảng dạy, ông đã gắn bó trọng đời với công việc nghiên cứu, biên soạn. Giờ đây, dù tuổi đã ngoài 80, khi nói đến văn chương, nói đến giáo dục, ông vẫn say sưa trao đổi, luận bàn. Có lẽ chỉ có niềm vui viết mới khiến người ta “trẻ khỏe” đến như vậy…