Nông dân thời 4.0

09:58, 02/09/2021

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, những nông dân thời công nghệ 4.0 đang chuyển mình, thay đổi tư duy , cách làm để tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh. Cũng từ đó, người nông dân từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Khởi nghiệp từ ruộng vườn, nhưng cách làm của anh Nguyễn Văn Hùng, ở xóm Mận, xã Phục Linh (Đại Từ) không manh mún như bố mẹ hay nhiều hộ làm nông nghiệp quanh vùng. Với sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số, anh đã gây dựng thành công trang trại trồng dưa lưới Nhật Bản với quy trình sản xuất công nghệ cao, có diện tích 1.000m2.

Trang trại thiết kế theo hệ thống nhà màng, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến, như: Sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước tự động, gieo trồng trên giá thể, bán thủy canh, kiểm soát dinh dưỡng, độ ẩm… Các công đoạn chăm sóc, theo dõi được anh quản lý, thực hiện qua phần mềm trên điện thoại thông minh.

Theo anh Hùng, làm nông nghiệp công nghệ cao không hẳn phải là sản xuất trong nhà kính mà là sự kết hợp công nghệ vào tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Bởi vậy, khi bắt tay vào làm, anh đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm bằng các kênh mua bán trực tuyến. Sau ba năm, nông dân 9x này đã gây dựng được gian hàng uy tín trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất cả nước là Shopee và Lazada, trở thành kênh tiêu thụ chính của trang trại. Hiện, trang trại của anh cung cấp cho thị trường trên 3 tấn quả mỗi vụ (3 tháng/vụ), thu về gần 200 triệu đồng/vụ.

Tương tự, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đã đem lại thành công cho ông Nguyễn Văn Hảo, xóm Ngọc Tiến, xã Phục Linh (Đại Từ). Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà đẻ và bán gà giống nhưng chỉ đem về mức thu nhập trung bình. Năm 2016, ông đã tự mày mò, thiết kế và nâng cấp trang trại thành quy mô bán tự động. Trang trại rộng trên 800m2, được ông tính toán áp dụng đồng bộ các hệ thống thiết bị chuồng trại. Trong đó, các thiết bị đèn chiếu sáng, quạt thông gió, bơm nước, hệ thống làm mát, cung cấp nước uống cho gà, điều chỉnh nhiệt độ… được ông nghiên cứu, tích hợp thành công trên điện thoại thông minh.

Ông Hảo nói: Nếu như trước đây, trang trại của tôi phải thuê 4 lao động thường xuyên mới đảm bảo ổn định sản xuất, thì với mỗi phần công việc bây giờ, tôi chỉ cần một nút ấn trên điện thoại là xong. Chính vì vậy đã giúp gia đình giảm đáng kể chi phí thuê nhân công và tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Hiện, gia đình ông thường xuyên duy trì đàn gà giống khoảng 6.000 con, sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, mỗi tháng xuất bán từ 4 vạn đến 6 vạn con giống, đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng.

 Hai ví dụ kể trên là những điển hình của nông dân thời đại 4.0 đã và đang bắt nhịp kịp thời với tiến bộ khoa học công nghệ. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự tham gia từ phía các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững hơn.

Sự bùng nổ về công nghệ cũng tạo môi trường thuận lợi cho nông dân khi các đầu ra sản phẩm được mở rộng hơn thông qua các kênh mua bán trực tuyến. “Vườn rau không đất”, “trang trại tự động”, “hoa công nghệ cao”, “tôm công nghệ”, “thương mại điện tử”, “VietGAP”, “tem truy xuất hàng hóa”… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Đây cũng là tiền đề căn bản để ngành nông nghiệp của tỉnh được chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong tương lai.

 Những năm qua, việc khích lệ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ cũng được tăng cường thông qua các hoạt động, phong trào của Hội Nông dân, như: Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật; hội nghị, hội thảo tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi… Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ tín dụng được quan tâm, nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ.

 Thông qua Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) với những cơ chế hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và quy trình giám sát, phân loại, nâng hạng sản phẩm theo từng năm, ngành Nông nghiệp cũng hướng người dân bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới. Đó là chú trọng đến chất lượng, quy trình công nghệ, giá trị thương hiệu.

 Đặc biệt, các sản phẩm này được giới thiệu rộng rãi trên Sàn giao dịch thương mại điện tử và Trang thông tin điện tử chuyên biệt về OCOP của tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu mặt hàng của mình đến nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 Mặc dù những khó khăn thách thức trên hành trình xây dựng nông nghiệp 4.0 cũng còn nhiều gian nan, nhưng tin rằng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng sự quan tâm, khích lệ từ các cấp, ngành, nông dân Thái Nguyên sẽ sớm trở thành những “nông dân 4.0” đúng nghĩa, từng bước làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, đời sống hằng ngày.

Anh Vũ Đức Lâm, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chủ trang trại trồng nho Hạ Đen không hạt ứng dụng công nghệ cao cho biết: Sự quan tâm từ các cấp chính quyền với những cơ chế hỗ trợ, động viên, khuyến khích, đã giúp nông dân chúng tôi tự tin, mạnh dạn hơn trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.