Người “truyền - giữ lửa” cho làng chè

09:10, 10/10/2021

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của Thái Nguyên, vì vậy mà trong tổng số 263 làng nghề toàn tỉnh thì có đến 90% là làng nghề chè. Những năm qua, góp sức vào công cuộc gìn giữ, phát triển làng nghề chè có rất nhiều tập thể, cá nhân tâm huyết. Bài viết này, chúng tôi xin nhắc đến 1 nghệ nhân- ông Tô Văn Khiêm (sinh năm 1970), Trưởng xóm Tân Thái kiêm Trưởng Ban quản lý Làng nghề chè cụm Khe Cốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, Phú Lương).

Làng nghề chè cụm Khe Cốc, xóm Tân Thái (xã Tức Tranh) được tỉnh công nhận năm 2011. Hiện Làng nghề có 70/78 hộ với 154 lao động tham gia sản xuất, chế biến chè với tổng diện tích chè 53,8ha.

Với mong muốn nâng cao giá trị cây chè, phát triển kinh tế cho người dân, năm 2018, ông Tô Văn Khiêm đã vận động, tập hợp 15 thành viên để thành lập HTX chè an toàn Khe Cốc. Những năm sau, ông tiếp tục vận động nhân dân xây dựng thành công vùng nguyên liệu chè tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ lớn nhất tỉnh (diện tích 40ha); sản xuất đa dạng các sản phẩm từ trà như bột matcha, kẹo trà xanh, chú trọng đầu tư mẫu mã, bao bì, tem an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc…

Đặc biệt, với vai trò là người đứng đầu HTX và Làng nghề, khi nắm bắt được xu thế thị trường, Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), kiên trì gần 3 năm tìm hiểu và đàm phán với các đối tác, cuối năm 2019, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ chè với một đối tác lớn tại Ba Lan. Qua đó, HTX xuất khẩu trực tiếp sản phẩm với giá cao hơn nhiều so với nội tiêu, và điều quan trọng là thông qua đối tác này, sản phẩm của HTX có thể thâm nhập vào nhiều nước châu Âu khác, đáp ứng thị trường khó tính nhất…

Ông Tô Văn Khiêm (bên trái) trao đổi với đối tác người Ba Lan.

Ông Khiêm cho biết: Dù không sinh ra tại mảnh đất này nhưng với hàng chục năm định cư, gắn bó với nghề làm chè, tôi càng thêm yêu mảnh đất, con người nơi đây và mong muốn có nhiều đóng góp để Làng nghề phát triển. Những năm qua, để sản phẩm chè của bà con trong Làng nghề được nhiều người biết đến, HTX cũng đã ký hợp đồng bao tiêu chè tươi cho các hộ dân với giá ổn định; vận động các hộ đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến.

Cùng với đó, ông và các thành viên trong Ban quản lý Làng nghề chè đã đề nghị UBND xã, huyện tạo điều kiện cho bà con được tham gia các chương trình tập huấn, hội thi tay nghề, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm bạn hàng; thành tập Tổ sản xuất chè VietGAP và duy trì sản sản xuất 8,7ha từ năm 2014 đến nay; giá bán chè VietGAP dao động từ 250.000 đồng-400.000 đồng chè móc câu; chè tôm nón, chè đinh ôm, đinh tâm từ 600 nghìn đồng- 3,5 triệu đồng/kg… Qua đó cuối năm 2019, xóm Tân Thái đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu; hiện xóm không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân của người dân đạt 53 triệu đồng/người/năm.

Ông Hoàng Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho hay: Nghệ nhân Tô Văn Khiêm đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Làng nghề chè cụm Khe Cốc nói riêng, lĩnh vực sản xuất, chế biến chè của xã nói chung. Đây là đơn vị tiên phong và hiện duy nhất tại địa phương đang thực hiện sản xuất chè theo hướng hữu cơ; là làng nghề tiêu biểu được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận năm 2017; là HTX duy nhất của huyện có sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh… Ông Khiêm như “ngọn lửa” nhiệt huyết giúp Làng nghề ngày càng phát triển và sản phẩm chè của địa phương vươn xa.