Cho hôm nay và mai sau

06:46, 05/12/2021

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những người lính năm nào vẫn luôn giữ trong mình nhiệt huyết, tinh thần, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc.

Nhiều cựu chiến binh (CCB) đã từng tham gia các chiến dịch lịch sử nay đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực, sưu tầm và đóng góp các tư liệu, hiện vật về chiến tranh để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của cha anh cho thế hệ trẻ.

Trong những tấm gương đó phải kể đến ông Hoàng Quốc Quyết, Chủ tịch Hội CCB phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên). Từng tham gia kháng chiến và có 21 năm công tác tại Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc - Quân khu 1, ông đã tìm kiếm, sưu tầm, đóng góp trên 200 tài liệu, hiện vật cho đơn vị; đồng thời tham gia nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện truyền thống với đoàn viên, thanh niên.

Sau khi nghỉ chế độ, trở về địa phương, ông tiếp tục miệt mài với công tác sưu tầm hiện vật và tìm về những mái trường để kể những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn về cuộc đời người lính, về truyền thống của Quân đội, của quê hương, đất nước…

Ông chia sẻ: Mỗi kỷ vật là một câu chuyện gắn với lịch sử, gắn với những thời khắc thiêng liêng trong thời kỳ kháng chiến. Nó có thể đẫm máu và nước mắt, nhưng lại là hiện thân của sự hiên ngang, tinh thần bất khuất, quả cảm của những người lính năm xưa. Trong những chương trình tọa đàm, đối thoại với lớp trẻ, các hiện vật là cơ sở để giáo dục truyền thống cách mạng.

Cũng là một “nhân chứng sống” của lịch sử, CCB Nguyễn Quý Thái (70 tuổi) ở tổ 13, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), mang đến những câu chuyện lịch sử chân thực và hào hùng. Căn nhà của ông là một “địa chỉ đỏ” mà đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn thường lui tới.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1969, chàng trai trẻ Nguyễn Quý Thái nhập ngũ và trực tiếp tham gia tại chiến trường Tây Nam Bộ. Trải qua những trận đánh ác liệt, ông từng 3 lần bị thương với 21 mảnh đạn găm vào ổ bụng và đùi.

Những câu chuyện về một thời mưa bom bão đạn, hiên ngang, bất khuất trước quân thù của ông đã giúp nhiều bạn trẻ nhận thức sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước.

Em Đỗ Thanh Hằng, lớp 11, Trường THPT Ngô Quyền (T.P Thái Nguyên), bày tỏ: Được nghe những người trực tiếp tham gia kháng chiến kể lại, chúng em cảm nhận rõ hơn đau thương, mất mát của thế hệ đi trước; tự hào và biết ơn sâu sắc. Đó là động lực để chúng em nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, góp sức xây dựng quê hương.

Tình cảm, trách nhiệm của thế hệ đi trước đã thôi thúc nhiều CCB trở thành những “người truyền lửa” truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những chương trình giao lưu, gặp mặt, nghe nói chuyện truyền thống giữa Anh hùng lực lượng vũ trang, các CCB mang lại hiệu quả và tác động mạnh đến suy nghĩ, hành động của tuổi trẻ. Đây là một trong những phương thức giáo dục truyền thống yêu nước có sức hút nhất và hiệu quả nhất. Như Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Những năm qua, công tác phối hợp giữa hội CCB và đoàn thanh niên các cấp trong việc bồi dưỡng lý tưởng, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực. Sự phối hợp này đã tạo ra diễn đàn chính trị có ý nghĩa; hình thức giáo dục dù không mới song tác động mạnh đến nhận thức, cảm nghĩ của tuổi trẻ, thôi thúc tuổi trẻ sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước, gia đình, xã hội, với truyền thống cách mạng.

Cùng với giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, Hội CCB tỉnh và Tỉnh đoàn còn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, nghị quyết của các tổ chức đoàn, hội và phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên; tuyên truyền, vận động thanh niên thấy rõ trách nhiệm, đăng ký khám tuyển và nhận lệnh gọi nhập ngũ khi đủ điều kiện; xây dựng tình cảm và lòng biết ơn, lối sống lành mạnh trong thanh, thiếu niên.