28 tuổi, 29 lần tham gia hiến máu tình nguyện - Người thanh niên biết sẻ chia sự sống ấy là anh Nguyễn Duy Trường Dương, kỹ thuật viên, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Anh khiêm tốn: Tôi thấy đó là việc cần làm, nên luôn sẵn lòng chìa cánh tay ra cùng hiến máu.
Hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện, nhưng đến bây giờ anh vẫn nhớ tâm trạng lần đầu tham gia “Ngày Chủ nhật đỏ”. Anh kể: Năm tôi 18 tuổi, đang là sinh viên năm đầu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thấy Đoàn trường phát động phong trào hiến máu, tôi đăng ký tham gia. Lần đầu tiên ấy, tôi hơi choáng khi thấy bịch máu của mình đang lật qua lật lại bên cạnh. Nhưng tôi đã chấn an, tự động viên mình bằng suy nghĩ có nhiều bệnh nhân đang chờ máu cấp cứu.
Sau khi hiến máu, anh trở về ký túc xá và lặng lẽ “nghe tiếng nói” của cơ thể mình, thấy không có gì thay đổi, thậm chí tinh thần phấn chấn, tự tin hơn trong học tập. Vượt qua mọi đắn đo thường tình, anh trở thành một tình nguyện viên tích cực trong hiến máu nhân đạo. Khi bố mẹ ở quê (xóm Trường Lĩnh, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) biết chuyện, các cụ đã gọi điện động viên, khuyến khích anh cùng bạn bè năng làm điều thiện. Các cụ còn dặn dò: Xa nhà, con tự biết gìn giữ sức khỏe, gắng học tốt và tích cực tham gia các phong trào thanh niên.
Để bảo đảm sức khỏe, anh tích cực luyện tập thể thao, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Do không sử dụng các loại chất kích thích có hại, nên việc hiến máu của anh luôn thuận lợi. Nhiều lần đến bệnh viện thăm người thân bị đau ốm, thấy có bệnh nhân thiếu máu mổ cấp cứu, anh chìa luôn cánh tay mình cho bác sĩ lấy máu cứu người. Bạn bè thấy thế, nể lắm. Có người hỏi anh: Hiến máu, tức là bị mất máu, cơ thể có đau mỏi không? Anh trả lời: Đó là cách mình tự thay máu. Máu lấy ra từ cơ thể mình không bị mất đi, mà có một cuộc đời khác được hồi sinh.
Anh trở thành một tuyên truyền viên hiến máu tình nguyện từ lúc nào không hay. Đã có hàng trăm người được anh tuyên truyền, vận động, nhưng có khoảng 200 người nghe anh, đăng ký tham gia hiến máu. Và trong số họ, có nhiều người tiếp tục trở thành tình nguyện viên, tuyên truyền viên tích cực. Anh chia sẻ: Nhiều bạn trẻ muốn tham gia hiến máu, nhưng sợ xét nghiệm lỡ có bệnh sẽ mất phương hướng trong cuộc sống. Tôi tiếp tục thuyết phục: Hiến máu giúp cơ thể sàng lọc máu cũ, sản sinh máu mới. Hơn thế, hiến máu cũng là cơ hội cho mình được kiểm tra sức khỏe miễn phí.
Đồng thời, việc tham gia hiến máu còn là hành động tích cực góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong đó, có cả những người thân của mình. Đặc biệt trong trường hợp bản thân mình gặp nguy kịch, phải cần máu cấp cứu, bệnh viện sẽ ưu tiên trả lại máu cho mình bằng số đơn vị máu bản thân đã hiến trước đó. Còn chẳng may sau hiến máu, kết quả xét nghiệm phát hiện bản thân có bệnh lây truyền, như: viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, ký sinh trùng sốt rét, HIV… thì mình được bác sĩ tư vấn cho phác đồ điều trị phù hợp với hiện trạng sức khỏe.
Trong thời gian 10 năm vừa qua, anh Dương có bình quân 2,9 lần hiến máu/năm. Với anh, đó là niềm hạnh phúc vì được tham gia chia sẻ sự sống của mình cho bệnh nhân vượt qua bạo bệnh. Vâng! Cuộc sống đời thường có rất nhiều người được hồi sinh nhờ có máu cấp cứu kịp thời. Và, anh sẽ tiếp tục chia sẻ sự sống của mình bằng hành động tham gia hiến máu. Không phải để lập kỷ lục về số lần, số đơn vị máu được hiến, mà xuất phát từ trái tim biết chia sẻ yêu thương; biết vượt lên chính mình để làm những việc có ích cho cộng đồng xã hội.