Là người bị ảnh hưởng trực tiếp chất độc da cam/Dioxin, ông luôn hiểu thấu nỗi đau của các nạn nhân, nên dành trọn tâm huyết quan tâm, giúp đỡ họ. Ông là Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP. Thái Nguyên.
Ở tuổi 75, ông Phúc còn minh mẫn, nhớ họ tên từng hội viên trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của thành phố. Hiện thành phố có hơn 2.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 1964 nạn nhân trực tiếp, 176 nạn nhân gián tiếp.
Quê ở huyện Phú Bình, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1966, thanh niên Nguyễn Văn Phúc lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ông nghỉ hưu năm 1992, đeo quân hàm Thượng tá.
Về sinh sống tại xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng (TP.Thái Nguyên), ông Phúc tham gia Ban Chấp hành, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Năm 2018, ông được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Quyết Thắng.
Ông Phúc ngậm ngùi nói: “Là người ảnh hưởng trực tiếp chất độc da cam và nhiều năm đảm nhiệm công tác Hội, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh bất hạnh do chất độc da cam mang lại. Lòng tôi luôn quặn đau, càng thôi thúc tôi muốn làm nhiều việc để giúp đỡ các nạn nhân”.
Nhiều nạn nhân chất độc da cam ở xã Quyết Thắng vẫn nhắc đến ông với sự biết ơn. Đó là những trường hợp không đủ giấy tờ hợp lệ để xét hưởng chế độ da cam, ông Phúc đã đồng hành giúp họ hoàn chỉnh hồ sơ để xét hưởng trợ cấp. Ông tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí làm nhà cho những đối tượng là nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở.
Nhắc đến ông, bà Phạm Thị Nụ, vợ của ông Hà Quang Vinh, xóm Cây xanh, là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, có 2 con ảnh hưởng chất độc da cam, cho biết: “Ngoài thường xuyên thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần, ông Phúc còn vận động các tổ chức hỗ trợ gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà vững chãi”.
Năm 2010, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP. Thái Nguyên thành lập, ông Phúc được bầu làm Chủ tịch Hội. Trên cương vị này, ông cùng tập thể Ban Chấp hành Hội thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh; chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với địa phương hỗ trợ hội viên làm và sửa chữa nhà ở, tặng xe lăn; giúp đỡ hội viên làm kinh tế, hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2011 đến 2021, Hội đã vận động Quỹ, đề nghị hỗ trợ làm mới 17 nhà, sửa chữa 32 nhà, trợ cấp đột xuất cho các đối tượng là nạn nhân bị thiên tai, sức khỏe yếu (với 89 lượt người được trợ cấp); phối hợp với Hội Cựu chiến binh tổ chức tang lễ cho 754 hội viên qua đời; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, các bệnh viện, công ty thuốc và thiết bị y tế, các tổ chức y tế tình nguyện khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.800 lượt hội viên, với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng...
Ngoài tích cực hoạt động Hội, ông Nguyễn Văn Phúc còn là tấm gương lao động cần mẫn, đáng để nhiều người học tập. Ông tâm huyết với việc làm vườn, chăn gà, nuôi ong lấy mật, mỗi năm thu về khoảng 80 triệu đồng. Ngôi nhà của gia đình ông luôn đầy ắp tiếng cười, là địa chỉ lui tới của nhiều hội viên Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin.