Sau 3 năm triển khai Luật Đấu giá tài sản, lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh đã từng bước được minh bạch và gia tăng giá trị các tài sản do Nhà nước quản lý để thu lợi cao nhất về ngân sách. Hiện, các tài sản do Nhà nước quản lý trên địa bàn đã cơ bản được giao cho Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh (Sở Tư pháp) thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ…
Kết thúc năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh (Trung tâm) đã thực hiện ký hợp đồng với 81 tổ chức, cá nhân trong tỉnh để tổ chức 65 cuộc bán đấu giá tài sản với tổng số tiền thu được gần 150 tỷ đồng. Số tiền đấu giá chênh lệch so với giá khởi điểm mà các tổ chức, cá nhân có tài sản đấu giá đưa ra là gần 10 tỷ đồng. Trong đó, tài sản công đưa ra đấu giá chủ yếu là quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất tại một số khu dân cư trên địa bàn tỉnh và một số loại tài sản thanh lý, thu hồi của cơ quan Nhà nước, tang vật tịch thu của tổ chức, cá nhân do vi phạm pháp luật, tài sản kê biên đảm bảo thi hành án, tài sản Nhà nước thanh lý tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong năm 2019, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thông qua đấu thầu cấp địa phương theo quyết định của UBND tỉnh. Kết quả, Trung tâm đã lựa chọn nhà thầu được phê duyệt với 216/261 danh mục thuốc với tổng giá trị dự toán là 137,8 tỷ đồng (trúng thầu là 122,4 tỷ đồng). Thông qua đấu thầu, Trung tâm đã tiết kiệm cho ngân sách 15,4 tỷ đồng. Để việc cung ứng thuốc được kịp thời trong năm 2020, Trung tâm đang hoàn thiện hồ sơ, hợp đồng với 42 đơn vị trúng thầu và bàn giao kết quả lựa chọn nhà thầu cho 34 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản và một số lĩnh vực khác của tỉnh thời gian qua được đấu giá thành công cũng có đóng góp lớn của Trung tâm.
Mặc dù trong năm 2019, tập thể cán bộ Trung tâm đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhiều loại tài sản giao dịch đảm bảo, tài sản kê biên đảm bảo thi hành án, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp,… Trung tâm vẫn chưa được tiếp nhận đầy đủ để thực hiện đấu giá theo luật (nhiều tài sản đã được các đơn vị có tài sản trong tỉnh chuyển cho tổ chức đấu giá tư nhân). Thêm nữa, một số tài sản là quyền sử đụng đất do UBND cấp huyện chuyển cho Trung tâm đấu giá, nhưng quy hoạch thiếu cơ sở hạ tầng, diện tích phân lô chưa phù hợp với nhu cầu của người dân… dẫn đến đấu giá kết quả không cao hoặc đấu giá không thành nên ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, nguồn thu của đơn vị. Cùng với đó, việc thanh toán dịch vụ đấu giá của tổ chức có tài sản đưa ra đấu giá cho Trung tâm còn chậm nên việc chi trả tiền phí cho các tổ chức liên quan chưa kịp thời. Đồng chí Nguyễn Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh cho biết: Sau 11 năm chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm đã từng bước hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, thành thạo trong quản lý và triển khai nghiệp vụ chuyên môn. Do vậy, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã tin tưởng, ký hợp đồng thực thực hiện nhiều loại nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, quy định về thù lao dịch vụ đấu giá và chi phí hợp lý, hợp lệ đấu giá còn thấp nên ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của đơn vị.
Để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra trong năm 2020 là đạt giá trị đấu giá thành trên 200 tỷ đồng và mở rộng khai thác nguồn tài sản, nguồn hàng khác, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm đang tập trung thực hiện các giải pháp, như: Tăng cường tuyên truyền Luật Đấu giá tài sản đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; thực hiện hiệu quả công tác đấu thầu tập trung thuốc trên địa bàn; tăng cường quảng bá bán đấu giá tài sản trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về các tài sản cần bán đấu giá; cán bộ trực tiếp đi về các xóm, tổ dân phố để thông báo, quảng cáo về tài sản bán đấu giá… Đồng thời, Trung tâm cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh và 9 huyện, thành, thị nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đấu giá tài sản để đảm bảo mọi tổ chức đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.