Mới đây, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, người dân. Theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự thảo Luật (sửa đổi) sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2022 và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2022.
Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường.
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục… Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị bạo lực gia đình không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự khó khăn về kinh tế, bí bách về tinh thần trong các đợt giãn cách xã hội khiến bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành tăng cao.
Thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), số trường hợp gọi đến tổng đài “Ngôi nhà bình yên” của Trung tâm để tham vấn về bạo lực gia đình tăng gần 60% so với năm 2020 (và tăng hơn 230% so với năm 2019).
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến cho 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% trẻ bị đánh... Các chuyên gia nhận định, trong đại dịch COVID-19, những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên cả về tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ bị chê cười. Nạn nhân thường có tâm lý ngại “vạch áo cho người xem lưng”... Điểm yếu vẫn là do khâu thực thi các quy định pháp luật. Các cấp, các ngành chưa phối hợp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này. Cộng đồng, đoàn thể thiếu quan tâm, đôi khi coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hậu quả đã nghiêm trọng. Cùng với đó, chế tài chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, chưa hợp lý, thiên về hòa giải...
Trong khi đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành (được thực thi hơn 13 năm qua) cũng đang tồn tại một số quy định còn bất cập. Nhiều khái niệm chưa được làm rõ, chưa nhận diện đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình khiến nhận thức về bạo lực gia đình khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp. Chưa có các quy định cụ thể trong nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình...
Do đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khắc phục những tồn tại, bất cập kể trên tập trung vào ba nội dung chính: các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội công tác này. Xã hội kỳ vọng, Luật (sửa đổi) sẽ góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.