Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Hoàng Anh 15:55, 08/08/2023

Không chỉ chú trọng đến công tác xét xử, hòa giải mà song song với nhiệm vụ chuyên môn, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh cũng chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng nhiều hình thức. Từ đó, các quy định của pháp luật đến với người dân được cụ thể và dễ hiểu, nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên.

Phiên tòa lưu động của TAND TP. Thái Nguyên tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) là một dịp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường.
Phiên tòa lưu động do TAND TP. Thái Nguyên tổ chức tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) là một dịp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường.

Gần đây, TAND tỉnh đã tổ chức phiên xét xử 42 bị cáo liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại hai cơ sở kinh doanh sinh thái Làng Việt (TP. Thái Nguyên).

Trong 3 ngày xét xử, ngoài 42 bị cáo có mặt tại phiên tòa còn có đông đảo bạn bè, người thân của bị cáo và nhân dân đến chứng kiến, theo dõi. Thông qua phiên tòa, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã “chạm” đến rất nhiều người có mặt.

Chị Nguyễn Thị Th. (TP. Thái Nguyên), người thân của một trong những bị cáo, chia sẻ: Khi đến dự phiên tòa và nghe Hội đồng xét xử tuyên án, tôi hiểu rõ hơn về sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là đối với những hành vi sai phạm liên quan đến ma túy. Bản án mà các bị cáo phải chịu đều thích đáng. Qua đó, tôi cũng nhận thấy rằng nếu ai không đủ bản lĩnh, sa vào chơi bời, tệ nạn thì rất dễ dẫn đến phạm tội và phải trả giá đắt.

Phiên tòa xét xử lưu động 3 vụ án hình sự sơ thẩm về ma túy được TAND TP. Thái Nguyên tổ chức tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) ngày 19-4 thu hút gần 350 sinh viên, cán bộ, giảng viên của Nhà trường đến dự. Qua phiên tòa, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được đánh giá thành công, đặc biệt là đối với sinh viên.

Có thể thấy, hoạt động xét xử, giải quyết các loại án là hình thức tuyên truyền, PBGDPL thiết thực và dễ đi vào đời sống.

Những người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể, họ sẽ hiểu rõ hơn pháp luật quy định đối với từng trường hợp như thế nào và bị xử lý ra sao, từ đó có ứng xử phù hợp.

Trong số hàng nghìn vụ việc thụ lý, hằng năm, TAND hai cấp của tỉnh lựa chọn trên 100 vụ án phù hợp, có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động.

Bà Lô Thị Nương, Chánh Văn phòng TAND tỉnh, thông tin: Ngoài công tác xét xử, việc tuyên truyền, PBGDPL của TAND hai cấp của tỉnh còn được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Thông qua công tác hoà giải, đối thoại; qua hoạt động tiếp công dân; thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ; qua công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; qua công khai các bản án, quyết định của tòa án, phát triển án lệ, qua các phương tiện truyền thông, báo chí. Mỗi hình thức có phạm vi, đối tượng hướng đến và hiệu quả khác nhau nhưng đều có mục đích chung là phổ biến pháp luật đến người dân.

Tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoà giải, đối thoại góp phần xóa bỏ mâu thuẫn, hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt giữa các đương sự.

Thông qua hoạt động này, người tiến hành hòa giải, đối thoại còn có thể giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giảm các mâu thuẫn phát sinh trong xã hội, giúp việc thi hành pháp luật được thuận lợi.

Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp của tỉnh đã hòa giải thành 344/839 vụ, trong đó qua hòa giải, đối thoại có 68 đương sự rút đơn khởi kiện.

Để nhân dân được tiếp cận pháp luật thông qua nhiều cách thức thì việc công khai các bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử cũng được quan tâm.

Từ năm 2017, TAND hai cấp của tỉnh đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của đơn vị mình trên Cổng thông tin điện tử của tòa án. Tính đến nay, đã có trên 20.000 bản án, quyết định được đưa lên Cổng thông tin điện tử.

Bên cạnh đó, thông qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ tiếp dân vừa tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của công dân, vừa giải thích và hướng dẫn các quy định của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn giải quyết để công dân hiểu, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, tư ký tòa án; phối hợp với các sở, ngành thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL.