Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng. Điều này trở thành nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh và cơ quan chức năng. Trước thực trạng trên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, học sinh; bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý với chủ đề phòng chống bạo lực học đường, ma túy trong trường học, phòng chống xâm hại trẻ em cho học sinh Trường THCS Phương Giao (Võ Nhai). |
Bà Lê Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho hay: Bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em hay trẻ phạm tội thường để lại những hậu quả, tổn hại lâu dài cho cả nạn nhân, người thân, cộng đồng và người phạm tội. Do vậy, phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi cũng như bảo vệ trẻ em nói chung luôn được tỉnh, Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm đã triển khai TGPL cho trẻ em, vị thành niên bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn, hỗ trợ, đại diện pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho các cháu...
Với vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đầu mỗi năm, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật. Kế hoạch tập trung tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng đặc thù như người dân tộc thiểu số; người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng; thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; học sinh, sinh viên; người lao động làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Mỗi quý, Sở Tư pháp in và phát hành 1.000 cuốn "Bản tin Tư pháp" cấp phát miễn phí đến các sở, ngành, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, làm tài liệu phổ biến pháp luật và bổ sung nguồn tài liệu cho tủ sách pháp luật.
Hằng năm, Sở Tư pháp in và phát hành hàng chục nghìn tờ gấp, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cấp phát đến người dân. Trung bình mỗi năm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lưu động từ 50 - 70 điểm. Trong đó, phần lớn được thực hiện tại các xã, xóm thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Song song với đó, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương, cơ quan công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và TGPL với cho học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn với chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường, ma túy trường học, phòng chống xâm hại trẻ em”.
Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật, đăng các tin, bài, các quy định pháp luật mới trên Fanpage và Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và Sở Tư pháp. Nội dung tuyên truyền được biên soạn ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu để người dân dễ nắm bắt, theo dõi và chia sẻ rộng rãi.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho học sinh trên địa bàn huyện Phú Bình. |
Bên cạnh đó, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho trên 300 đối tượng là trẻ em và người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự.
Trong số này, các trợ giúp viên pháp lý, luật sư đã tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trên 30 trẻ bị xâm hại tình dục, bào chữa cho hơn 40 trẻ em vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, các trợ giúp viên, luật sư còn tham gia bào chữa cho trên 200 đối tượng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị buộc tội. Hoạt động TGPL đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là trẻ em, trẻ vị thành niên…
Bà Lê Thúy Hằng thông tin: Trung tâm luôn chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua báo chí, sự giới thiệu của các cơ quan tiến hành tố tụng và nguồn thông tin khác để cử người thực hiện TGPL. Khi cử người trợ giúp, ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế, Trung tâm còn lưu ý đến kỹ năng giao tiếp, khả năng am hiểu tâm lý trẻ em… nhất là đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại để chọn người trợ giúp phù hợp với từng đối tượng. Bởi sau khi bị xâm hại, các em bị tổn thương tâm lý, lo sợ, tự ti, trầm cảm… nên khó tiếp cận tìm hiểu, lấy lời khai. Nhờ đó, phần lớn vụ việc TGPL đạt hiệu quả, chất lượng theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, hoạt động TGPL cho trẻ em nói chung và trẻ em bị xâm hại nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các trợ giúp viên pháp lý cũng như luật sư, quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như: Nhận thức của một số người, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quyền được TGPL của trẻ em còn hạn chế. Gia đình có trẻ bị xâm hại thường mang tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự cũng như tâm sinh lý và cuộc sống của trẻ nên không trình báo cơ quan chức năng dẫn đến việc TGPL gặp khó, đôi khi chưa kịp thời.
Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được xác định là việc làm thường xuyên, liên tục không chỉ của ngành Tư pháp mà tất cả các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan. Trong đó, việc tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quyền được TGPL của trẻ em tại các xóm, xã vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn càng cần được chú trọng hơn nữa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin