Xét xử lưu động (XXLĐ) là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại nhiều hiệu quả, vì giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và người dân. Thông qua phiên tòa, người tham dự được theo dõi trực tiếp toàn bộ quá trình xét xử, phán quyết của hội đồng xét xử. Từ đó, mỗi người sẽ tự trang bị những kiến thức và có ý thức tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại thì XXLĐ cũng còn gặp không ít khó khăn, thậm chí cả bất cập.
Phiên tòa xét xử lưu động được Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đầu tháng 4-2024 có trên 300 cán bộ, giảng viên, sinh viên đến dự, theo dõi. |
Hiệu ứng tích cực
Cũng là một hình thức xét xử nhưng thay vì thực hiện tại phòng xử án thì phiên tòa XXLĐ được triển khai tại các địa phương, trường học. Mọi hoạt động khác như xét hỏi, bào chữa, tranh tụng, tuyên án vẫn diễn ra theo quy định của Bộ luật Hình sự. Mục đích chủ yếu của XXLĐ là răn đe bị cáo, phổ biến pháp luật thực tiễn đến nhân dân. Những vụ án được chọn XXLĐ thường là án hình sự, liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc trong dư luận như giết người, buôn bán ma túy… Từ đó, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Phiên tòa XXLĐ 3 vụ án hình sự về ma túy do Tòa án nhân dân (TAND) TP. Thái Nguyên tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên ngày 9-4 vừa qua có sự tham gia của trên 300 cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường. Thông qua phiên tòa, mỗi công dân nhận thức rõ tác hại của tệ nạn ma túy, từ đó chủ động tránh xa tệ nạn nguy hiểm này.
Em Nguyễn Sơn Phong, sinh viên K58 - Sư phạm Tin, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: Dự và theo dõi phiên XXLĐ, em hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy đối với mỗi người và xã hội. Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe, tương lai đối với những ai “vướng” vào tệ nạn này, mà những hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép sẽ phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật.
Thời gian qua, TAND tỉnh và các địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đông đảo nhân dân qua phiên tòa XXLĐ. Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh (Phú Lương) nhận định: Việc đưa các phiên tòa về địa phương XXLĐ đã góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới đông đảo người dân, từ đó giúp họ chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ vậy, phạm pháp hình sự trên địa bàn xã thời gian qua giảm cả số vụ và tính chất, mức độ.
Ông NGUYỄN ÍCH YÊN, Phó Chánh án TAND tỉnh: Trong quá trình XXLĐ, thông qua từng vụ án cụ thể, tòa án giúp những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận với những quy định của pháp luật, từ đó trang bị kiến thức cần thiết để tự bản thân họ tránh xa hành vi phạm pháp, đồng thời giáo dục người thân chấp hành tốt pháp luật. |
Còn ông Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, XXLĐ cũng là hình thức xét xử nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án, góp phần thực hiện cải cách tư pháp. Xác định được mục đích đó, TAND và các cơ quan tố tụng hai cấp của tỉnh luôn chú trọng hoạt động XXLĐ. Trung bình mỗi năm, TAND hai cấp của tỉnh lựa chọn, tổ chức XXLĐ gần 100 vụ án hình sự.
Còn nhiều băn khoăn
Có thể nói, để tổ chức một phiên tòa XXLĐ là sự cố gắng, trách nhiệm không chỉ cơ quan tòa án mà còn của nhiều đơn vị liên quan. Vậy nhưng, không phải vụ việc nào được đưa ra xét xử cũng đạt được các mục đích như mong muốn. Thực tế cho thấy, không ít vụ việc ban đầu được đông đảo bà con, thân nhân bị cáo quan tâm và đến xem khá đông. Nhưng, chỉ sau một thời gian phiên tòa diễn ra, người dân đã lần lượt bỏ về, phía dưới hội trường chỉ còn lác đác người ngồi nghe. Thậm chí có những phiên tòa chỉ có người thân, bạn bè của bị cáo có mặt.
Điển hình như tại phiên XXLĐ tổ chức tại trụ sở UBND xã P. (TP. Phổ Yên) diễn ra vào cuối tháng 11-2023. Tại đây, TAND địa phương đã tổ chức xét xử 3 vụ án hình sự đều liên quan đến ma túy. Lúc đầu, có khá nhiều người dân đến theo dõi nhưng sau đó, hội trường vắng dần. Thực tế tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân do những vụ án hình sự về ma túy đã trở nên quen thuộc. Trong khi đó, xã hội hiện nay phát sinh nhiều mối quan hệ phức tạp, tội phạm cũng rất đa dạng, gần với đời sống hằng ngày mà người dân cần được tuyên truyền, nhận diện để phòng tránh hoặc tố cáo, đấu tranh. Chẳng hạn như vấn đề tranh chấp dân sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, vi phạm trật tự an toàn giao thông… Không ít phiên XXLĐ, số lượng người dân đến theo dõi từ đầu cũng rất khiêm tốn, chủ yếu là người già. Trong khi đối tượng mà những phiên xét xử này hướng đến là để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người trẻ lại rất ít có mặt.
Ở khía cạnh khác, theo một số nhà khoa học, luật học và các chuyên gia, đối mặt với phiên tòa XXLĐ, ngoài việc bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc, bị cáo còn phải trực tiếp đối diện với thái độ của cộng đồng, dư luận. Đặc biệt, khi phiên XXLĐ được tổ chức ngay tại địa phương nơi cư trú của bị cáo, nên có những trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù, nhiều người do xấu hổ, tâm lý mặc cảm, tự ti nên không dám quay trở về nơi mình đã từng sinh sống. Ông Vương Hồng Giang, Chánh án TAND TP. Thái Nguyên thông tin: Cái khó của phiên tòa XXLĐ là việc đảm bảo an ninh trật tự, chi phí tốn kém hơn. Mặt khác, đưa tội phạm về xét xử tại địa phương họ sinh sống gây tâm lý e ngại cho người thân của họ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả
Ông HOÀNG VĂN TIẾN, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Thực tế, một số phiên tòa chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Các địa phương, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cần tuyên truyền nhân dân đến tham dự phiên tòa đầy đủ hơn để đảm bảo hiệu quả của phiên tòa XXLĐ. |
Để tổ chức thành công một phiên tòa XXLĐ, TAND và các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như cơ sở nơi diễn ra hoạt động xét xử phải có sự phối hợp chặt chẽ, tỉ mỉ trong tất các khâu, như: lựa chọn vụ án, không gian, thời gian, trang thiết bị, kinh phí, di chuyển, phương án bảo vệ an ninh trật tự… Ngoài tác dụng phổ biến pháp luật, XXLĐ còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người, nhất là đối với vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số, bà con ít có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu pháp luật. Thậm chí nhiều người còn chưa từng biết về hoạt động xét xử của tòa án, của hội đồng xét xử, ai là người đưa ra phán quyết cho người phạm tội phải chịu án phạt… thì XXLĐ giúp họ được tìm hiểu trực quan, sinh động nhất.
Theo lãnh đạo TAND tỉnh, bên cạnh chọn vụ án phù hợp, đơn vị tổ chức phiên XXLĐ còn phải lựa chọn thẩm phán, hội thẩm nhân dân có năng lực, có nhiều kinh nghiệm xử án, nói năng dõng dạc, rõ ràng, lập luận sắc bén, thần thái thể hiện được sự tôn nghiêm của pháp luật… Bởi lúc này không đơn giản chỉ là thẩm phán, chủ tọa, hội thẩm, thư ký của phiên xét xử thông thường, mà họ chính là người đại diện pháp luật, phán xét hành vi của bị cáo trước hàng trăm người theo dõi, đủ mọi thành phần, tầng lớp xã hội. Bên cạnh đó, tòa án cần cân nhắc, lựa chọn kỹ các vụ án phù hợp với đặc thù từng địa phương để đạt được mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, mang lại hiệu quả nhất. Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô (Phú Lương) bày tỏ: Tôi mong rằng, ngoài các vụ án hình sự về ma túy, TAND các cấp nên đưa nhiều các vụ án liên quan đến vi phạm giao thông để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về vấn đề này, nhất là với những người trẻ.
Phiên tòa xét xử lưu động tổ chức tại xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) |
Không thể phủ nhận những tác dụng, hiệu quả tuyên truyền giáo dục pháp luật qua hoạt động XXLĐ thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của XXLĐ thì người dân, chính quyền địa phương mong muốn, TAND và các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh sẽ có nhiều vụ án được đưa ra XXLĐ có tính chất đa dạng hơn. Để tránh áp lực, tâm lý e ngại cho bị cáo và người thân tại phiên tòa cũng như tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt, TAND nên cân nhắc việc đưa người phạm tội về XXLĐ tại nơi cư trú của bị cáo. Bên cạnh đó, để phiên XXLĐ đạt hiệu quả như mong muốn, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương nơi tổ chức phiên tòa, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở tham gia, tuyên truyền vận động người dân đến tham dự phiên tòa.
Luật sư Bùi Văn Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh: Tòa án nên lựa chọn vụ án có luật sư tham gia khi XXLĐ để các bên cùng phân tích, “mổ xẻ”, tranh luận những vấn đề trong vụ án. Từ đó làm cho người tham dự phiên tòa hiểu thêm các quy định của pháp luật, tránh xa những hành vi bị nghiêm cấm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin