Những sản vật vùng cao

10:26, 10/02/2018

Ở huyện vùng cao Định Hóa, chợ phiên chính là một nét văn hóa đặc trưng. Những ngày cuối năm, trong tiết trời se lạnh đặc trưng chuẩn bị đón xuân, bà con các thôn bản tấp nập hướng về chợ phiên để trao đổi, mua bán hàng hóa. Những sản vật đặc trưng và ngon nhất được người dân chăm sóc, tích trữ để phục vụ đúng dịp Tết Nguyên đán.

 

         

          Qua 20 tháng Chạp, đã có rất nhiều người tìm mua lá dong làm bánh. Bà con dân tộc Tày, Nùng ở Định Hóa chủ yếu gói bánh chưng dài (còn gọi là bánh Tày) nên cần lá to và dày hơn, giá bán trung bình khoảng 2.000 đồng/lá.

Cùng với lá dong, lạt giang là thứ không thể thiếu để gói một cái bánh chưng truyền thống. Những cây giang mọc ở vùng núi Nản của Định Hóa tuy nhỏ nhưng bù lại có gióng dài và chắc dẻo.

Không chỉ nổi tiếng với gạo, gừng, gấc…đồng đất Định Hóa còn trồng được loại đỗ xanh rất ngon. Đó là giống đỗ hạt nhỏ, vỏ bóng, ruột màu vàng tươi, làm nguyên liệu cho gói bánh hoặc nấu xôi ngày Tết.

Bà Nguyễn Thị Hồng, ở xóm Thanh Cường, xã Bảo Cường nuôi được gần chục con gà trống thiến mang bán ở chợ Trung Hội. Gà đã nuôi hơn 1 năm, trọng lượng 2,5-3kg,con. Bà Hồng cho biết, gà trống thiến thịt mềm nhưng săn chắc và ngọt; có nhiều mỡ, da dày và giòn; sau khi luộc màu ngả vàng óng rất đẹp. Tuy nhiên, hiện còn ít người nuôi vì mất thời gian dài và không hiệu quả kinh tế.

Canh măng tươi hầm xương là món ăn không thể thiếu của người dân Định Hóa dịp Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm không phải chính vụ nên măng tương đối hiếm, người dân phải đi lấy xa hoặc nhập về từ Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Cùng với bánh chưng, thì bánh nẳng (hay bánh tro) và khẩu si là những món đặc trưng không thể thiếu trên ban thờ của đồng bào dân tộc Tày. Bánh nẳng làm từ các loại cây rừng đốt lấy tro rồi ngâm với gạo nếp.  Bánh gói bằng lá chít rừng, khi ăn chấm với mật mía. Còn khẩu si có quá trình làm tương đối công phu, bao gồm: đồ xôi, giã bẹp, phơi khô rồi mang rang từng nắm nhỏ cho phồng, trộn sản phẩm đó với mật mía rồi ép vào khuôn.