Thơm ngon cốm nếp Vải

11:05, 22/10/2021

Khi hạt lúa nếp Vải chuyển sang chín sữa, chắc xanh thì cũng là lúc người dân vùng tam hợp ở huyện Phú Lương (gồm các xã: Hợp Thành, Ôn Lương, Phủ Lý) bước vào mùa làm cốm. Trước đây, cốm nếp Vải là thức quà vặt quen thuộc được người dân trong vùng chế biến để thưởng thức cùng gia đình. Trải qua thời gian, món ăn này vẫn được lưu truyền và dần trở thành hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nơi đây.   

 

Theo kinh nghiệm của bà con, muốn cốm ngon thì phải cắt lúa đúng thời điểm không quá già, không quá non (giai đoạn chín sữa).
Quy trình làm cốm phải qua rất nhiều công đoạn khá tỉ mỉ. Tuy nhiên, trong các công đoạn thì rang cốm là đóng vai trò quyết định về chất lượng của sản phẩm. Người làm phải nhận biết được lúc nào thóc chín, tránh rang quá khô hoặc chưa đều.
Để giảm tải sức lao động, những năm gần đây, người dân đã đầu tư máy móc vào các công đoạn chế biến cốm. Trong ảnh: Hộ ông Phạm Văn Phú, xã Ôn Lương sử dụng máy móc trong hầu hết các công đoạn làm cốm. 
Hiện nay, cả 3 xã ở vùng Tam hợp có gần 60 hộ làm cốm thường xuyên để bán nhưng chiếm đa số là người dân ở xã Hợp Thành và Ôn Lương. Trong ảnh: Trung bình mỗi ngày, bà Trần Thị Thu, xã Ôn Lương sản xuất khoảng 50kg cốm. 
Hiện nay, cốm không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống trong gia đình mà đã trở thành hàng hoá được bày bán ở các phiên chợ trong và ngoài vùng. Vào đầu mùa, cốm có giá từ 60 đến 70 nghìn đồng/kg. Trong ảnh: Người dân mua cốm tại phiên chợ ở xã Hợp Thành (Phú Lương). 
Nhằm nâng cao giá trị và quảng bá thương hiệu cốm nếp Vải Phú Lương, trong vùng có Hợp tác xã Nông sản nếp Vải Ôn Lương đã tiên phong trong việc đầu tư bao bì, nhãn mác và tem truy suất nguồn gốc để đóng gói sản phẩm cốm.