Đũa cọ làm từ thân của cây cọ, có nhiều ưu điểm như: Thớ gỗ tạo ra vân độc đáo, ít bị nấm mốc, giá thành cạnh tranh nên đang là một trong những loại đũa rất được thị trường ưa chuộng. Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương và vùng lân cận, năm 2013, anh Quán Văn Bảy, xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, xây dựng cơ sở sản xuất đũa cọ đầu tiên trên địa bàn huyện Định Hóa.
Hiện nay, đa phần gỗ cọ nguyên liệu của cơ sở được nhập trong huyện và các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn. Theo đánh giá của chủ cơ sở, cây cọ có nguồn gốc từ Định Hóa làm đũa cho chất lượng đều và đẹp nhất. Bước đầu tiên trong quy trình sản xuất đũa cọ là tuyển chọn được những cây cọ lâu năm, thân chắc, “sợi chỉ” chạy dọc thân gỗ đã chuyển sang màu nâu sẫm.
Sau khi thân cây cọ đã tuyển chọn kĩ, loại bỏ những phần không đảm bảo sẽ được cắt thành những phôi gỗ có độ dài khoảng 25cm. Cơ sở làm đũa của anh Bảy có 10 lao động thì có đến 6 người làm công đoạn này. Mức thu nhập của người lao động tại đây từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Khi phôi đã hình thành sẽ được đưa vào lò sấy khô trong vòng 48 giờ liên tục để tránh đũa bị cong vênh và bị mốc trong quá trình sử dụng.
Phôi đũa sau khi sấy khô sẽ tiếp tục được tuyển chọn, loại bỏ những phôi không đảm bảo yêu cầu và phân theo chất lượng gỗ khác nhau. Đũa cọ có chất lượng tốt nhất khi đưa đến tay người tiêu dùng có giá khoảng 25 nghìn đồng/10 đôi.
Từ công đoạn này trở đi, đũa được làm hoàn toàn bằng máy móc với các công đoạn còn lại là cắt đều chiều dài; mài thân đũa; làm bóng; làm sạch. Máy móc hầu hết đều do anh Quán Văn Bảy nghiên cứu, cải tiến để phù hợp với nguyên liệu từ cây cọ.
Cơ sở làm đũa cọ của anh Bảy hiện cung ứng ra thị trường từ 300.000 - 600.000 phôi đũa và đũa mỗi tháng. Thị trường chủ yếu là các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Đắc Nông, Quảng Nam, Quảng Bình… Đây cũng là sản phẩm đặc trưng của huyện Định Hóa tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2022.