Câu chuyện về những chiến sĩ thông tin trong kháng chiến chống Mỹ là một bức tranh đầy màu sắc. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng ở tuyến sau, họ vẫn âm thầm chiến đấu và có những người đã ngã xuống để giữ cho “mạch máu thông tin” luôn thông suốt, phục vụ chỉ huy chiến dịch và hiệp đồng các lực lượng, góp phần to lớn vào thời khắc toàn thắng của cả dân tộc.
Bộ đội thông tin liên lạc thuộc Lữ đoàn thông tin 601 (Quân khu 1) làm nhiệm vụ. |
Đảm bảo trục thông tin từ Bắc vào Nam
Gần 50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về một thời binh lửa vẫn trọn vẹn trong tâm trí ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên chiến sĩ thông tin liên lạc thuộc Trung đoàn 136, Bộ Tư lệnh Bộ đội Thông tin. Ông Tuấn kể: Tháng 2-1975, tôi khi đó chưa tròn 18 tuổi, vinh dự được đại diện cho 160 chiến sĩ người Bắc Thái nhập ngũ phát biểu trước Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Chúng tôi cùng hô vang khẩu hiệu “Quyết chiến - Quyết thắng” rồi chia tay nhau về các đơn vị. Tôi được phân công tham gia Trung đoàn 136, rồi ngay lập tức theo đơn vị vào Quảng Bình huấn luyện gần 1 tháng, sau đó khẩn trương lên đường vào chiến trường miền Nam.
Cùng với ông Tuấn, để tăng cường cho chiến trường miền Nam, giai đoạn 1972-1975, hơn 100 người con ưu tú của Thái Nguyên đã được bí mật lựa chọn, giao thực hiện nhiệm vụ tại Trung đoàn 136. Trọng trách của đơn vị là bảo đảm thông tin liên lạc bí mật, thông suốt theo trục từ Bộ Tổng Tư lệnh đến các chiến trường ở miền Nam.
Đồng đội của ông Tuấn, ông Hoàng Dũng hồi tưởng: Chúng tôi được chia vào các tổ công tác, mỗi tổ trực tại một trạm, có trách nhiệm bảo đảm thông tin liên lạc trên tuyến dây dài khoảng 20-30km và ở độc lập trong rừng sâu. Cánh lính người Thái Nguyên lúc bấy giờ, tôi và anh Tuấn di chuyển cơ động theo chỉ huy Trung đoàn, anh Ân Văn Chín thì ở Trạm A72 Quảng Bình, anh Nguyễn Văn Kim ở Trạm A76 Pleiku, một số người khác chốt tại các trạm Quảng Trị, Quảng Nam, Buôn Mê Thuột… Hằng ngày, chúng tôi theo dõi đường dây, khi phát hiện mất tín hiệu hoặc nhiễu sóng phải nhanh chóng đi nối dây, giấu dây sau khi khắc phục các điểm bị địch đánh phá, đặt mìn. Nhất là lúc nửa đêm hay trời mưa bão, đường dây thường xuyên hư hỏng. Mặt khác, chúng tôi cũng phải đối mặt với những nhóm biệt kích của Ngụy hoặc phiến quân Phun-rô giả làm dân thường rình rập bộ đội, phá hệ thống thông tin.
Nói đến đây, giọng ông Tuấn trầm lại: Trong lúc đi khắc phục đường dây, các anh Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Chí Dũng, Ngô Thái Hà đã anh dũng hy sinh. Anh Đỗ Văn Bình thì bị mất một bên mắt… Nhưng vượt qua mọi khó khăn, chúng tôi luôn động viên nhau kiên trì “bám” đường dây, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để phục vụ chiến trường.
Báo tin chiến dịch, nhận tin chiến thắng
Đối với ông Bùi Viết Từng, hiện trú tại tổ dân phố Hưng Thái, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), việc trở thành bộ đội thông tin như một cơ duyên. Ông Từng nhập ngũ năm 1965, sau khi dùng máu viết đơn tình nguyện, tha thiết mong được ra chiến trường cầm súng chiến đấu. Sau khi được phân công vào Sư đoàn 312, là một trong số ít người học hết lớp 10 thời bấy giờ (tương đương tốt nghiệp THPT), ông được đơn vị chọn cử đi học để trở thành chiến sĩ thông tin liên lạc.
Đầu năm 1975, Sư đoàn 312 đóng quân ở Thanh Hóa thì nhận lệnh hành quân khẩn cấp vào Đông Hà (Quảng Trị) rồi theo đường 9 sang Lào và tập kết tại Đồng Xoài (Bình Phước). Trên đường từ Quảng Trị sang Lào, đơn vị nhận được bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Là bộ đội thông tin, ông Từng và một số đồng đội làm nhiệm vụ tiếp nhận điện, dịch mật mã và chuyển tin đến chỉ huy đơn vị.
Ông Bùi Viết Từng vẫn lưu giữ nhiều bức ảnh, kỷ vật những năm tháng làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. |
Đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ nhưng riêng lần này, ông Từng có linh cảm đây sẽ là một trận quyết chiến. Ông nhớ lại: Trước khi vào trận đánh, anh em bộ đội rất phấn khởi. Chúng tôi tự tay khắc dòng chữ “Quyết chiến - Quyết thắng” lên mũ. Ai ai cũng nhất tề khí thế đánh đuổi quân thù.
Thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu, ông Từng đang cùng một nhánh của đơn vị đóng quân tại phía Đông Sài Gòn. Lúc này, chiến thuật tác chiến, các mũi tiến công của ta liên tục được thay đổi. Ông Từng và các chiến sĩ thông tin túc trực 24/24 cạnh hệ thống điện đàm để thông tin nhanh chóng đến chỉ huy đơn vị. Ông nói: Khó khăn của công tác thông tin chiến dịch là lực lượng huy động rất lớn, gồm nhiều binh đoàn, mũi tiến công trong điều kiện xa Trung ương, trải dài qua nhiều mặt trận, cả ở đồng bằng và rừng núi. Vì vậy, tôi và anh em xác định, phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh đến các lực lượng tham gia.
Từ ngày 13 đến 20/4/1975, tin chiến thắng liên tục được báo về. Sư đoàn 312 đã đánh thắng nhiều trận lớn như Bình Cơ, Bình Mỹ, Trại giam Phú Lợi… Nhánh đơn vị của ông Từng thì tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Sư đoàn 5 bộ binh của Ngụy. Khí thế lên cao, quân ta ồ ạt tiến công. Lúc này, ông Từng nhận lệnh qua hệ thống vô tuyến điện, báo cáo chỉ huy về chỉ đạo đánh theo đúng kế hoạch của Bộ Tư lệnh.
Ông Từng xúc động: Trưa ngày 30/4/1975, chúng tôi đã đánh xong và đang bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn. Tôi vẫn túc trực trên hệ thống để nhận chỉ đạo của cấp trên. Đúng lúc này, những tiếng “tạch - tạch - tè…” vang lên, tôi nhận thông tin rồi chuyển cho cậu chiến sĩ cơ yếu để dịch mật mã. Cậu ấy ngẩn người một lúc rồi mới báo cáo lại cho chỉ huy và chúng tôi về công điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, chỉ thị yêu cầu Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Nối tiếp đó là tin bộ đội ta cắm cờ lên nóc dinh Độc Lập. Chúng tôi lúc đó đồng thanh hô to “Miền Nam giải phóng rồi”, anh em ùa ra khỏi nơi ẩn nấp rồi ôm nhau khóc òa…
Chiếc ca đựng nước làm từ vỏ bom bi và dây cáp thông tin được ông Bùi Viết Từng giữ gìn cẩn thận. |
Cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm, nhưng với những người lính thông tin như ông Tuấn, ông Dũng, ông Từng… có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với đồng đội, chiến trường khiến họ nhớ mãi. Nhưng điều đặc biệt nhất với họ có lẽ là niềm tự hào khi góp phần giữ vững mạch máu thông tin luôn thông suốt, đóng góp vào chiến thắng 30-4 lịch sử.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin