Gian nan nẻo về

Hải Đăng 08:35, 05/04/2024
Đến Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ, tiếp xúc, trò chuyện với các học viên, tôi mới thấu hiểu, ai cũng có thể mắc sai lầm nếu trong một phút giây không kiềm chế được cảm xúc, không làm chủ được chính mình, để rồi cuộc đời trượt dài trong lầm lỗi. Chúng ta sẵn sàng giúp đỡ khi họ nhận ra lỗi lầm, ăn năn, hối cải, quyết tâm trở về làm người lương thiện… Nhưng, nẻo về đối với những người nghiện không dễ dàng.
Vườn rau xanh của Cơ sở do các học viên trồng, chăm sóc.
Vườn rau xanh của Cơ sở do các học viên trồng, chăm sóc.

Lạc lối

Vào Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện huyện Đại Từ (Cơ sở), chúng tôi bắt gặp những cái cúi đầu e ngại, những ánh mắt lẩn tránh không muốn nhìn thẳng vào người đối diện, bởi ít nhiều trong quá khứ, họ cũng đã gây ra những lỗi lầm, những tổn thương cho người thân, gia đình và xã hội. Chỉ có điều, khi họ đã tự nguyện vào cơ sở điều trị cai nghiện, tức là họ đều mong muốn tìm một nẻo về làm lại cuộc đời.

Trong số những người đang điều trị cai nghiện ở Cơ sở, có một học viên dù cố gắng tránh ánh nhìn của chúng tôi bằng cách đeo khẩu trang, cúi thấp mặt, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là một thanh niên khá điển trai, mang trong lòng nhiều tâm sự. Tôi đến gần làm quen, không ngoài dự đoán, Nguyễn Văn N., sinh năm 1995, từng là cán bộ quản lý ở một công ty liên doanh nước ngoài, với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Chỉ vì một lần chơi bạc bị thua, N. bị bạn bè rủ rê, phút yếu lòng đã hút Heroin để giải sầu. Tương lai mờ dần sau làn khói trắng.

Còn anh Trần Văn D., năm nay 45 tuổi, đã bị “khói trắng” mê hoạc từ năm 22 tuổi. Nguyên nhân chẳng phải do có biến cố gì trong cuộc sống, mà vui vẻ cùng bạn bè thì hút. Sau cảm giác phê pha như lên thiên đường cùng khói thuốc, trở về hiện thực, D. bị vợ bỏ, các con oán giận, người thân hắt hủi… Bao năm qua, D. sống lay lắt, bệ rạc trong những cơn say. Giờ, lần thứ 10 đến với Cơ sở, D. thiếu tự tin về chính mình, nhưng vẫn nói dứt khoát: “Tôi quyết tâm từ bỏ”.

Hơn 120 người ở Cơ sở là hơn 120 lý do vui, buồn khác nhau khiến họ lạc lối vào con đường tối, nhưng tất cả khi tự nguyện bước chân vào Cơ sở đều có chung một một mục đích là cố gắng điều trị nghiện, để sớm hoàn lương trở về con đường sáng. Mong muốn, khát khao là vậy, nhưng nèo về với họ không dễ dàng…

Chất chồng khó khăn…

Nguyễn Văn N. có “tuổi hút” được cho là “non” nhất so với các thành viên có thâm niên hút, hít Heroin (1 năm- PV), nhưng cũng đã có tới 3 lần bước chân vào Cơ sở. Lần nào cũng giống lần nào, hứa với người thân, hứa với cán bộ là quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nhưng cuối cùng, sau 3 lượt vào, ra, chúng tôi vẫn gặp N. ở nơi đây, lầm lũi và hổ thẹn.

Còn D. số “tuổi hút” lẫn số lượt vào Cơ sở điều trị còn gấp hơn 3 lần N. thì lấy gì để tin, D. sẽ thực sự quay lại được con đường sáng!?

Chúng tôi đem băn khoăn chia sẻ với anh Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Cơ sở. Anh Thắng chia sẻ với giọng trầm buồn: Quả thật, để tất cả những người nghiện có thể điều trị thành công, hoàn lương, hòa nhập cộng đồng là rất khó. Cái khó ở đây đến từ nhiều phía, trước hết là chính bản thân người nghiện, họ phải thật sự có bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm để chiến thắng chính mình. Sau đó, họ cần có sự yêu thương, chia sẻ từ gia đình, người thân; cần có nghề nghiệp để ổn định và duy trì cuộc sống… Nhưng, phần lớn người nghiện đều bị vợ bỏ, người thân cũng ghẻ lạnh, không có nghề nghiệp… Rời khỏi Cơ sở, tất cả những yếu tố đó lại chính là nguyên nhân “đẩy” họ vào con đường cũ.

Dừng lời giây lát, có chút suy tư, anh Thắng nói tiếp: Chưa kể, Cơ sở chúng tôi cũng gặp khó khăn, trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn, trong khi số người đến điều trị cai nghiện luôn trong tình trạng quá tải. Cơ sở chỉ đủ khả năng tiếp nhận khoảng 70 học viên, nhưng lúc nào cũng trên 120 người, lúc cao điểm còn lên tới trên 140 học viên, dẫn đến khó khăn về chỗ ở, điều kiện sinh hoạt tối thiểu không đảm bảo. Cán bộ, nhân viên phải dồn ghép phòng, để nhường chỗ ở cho học viên. Đặc biệt là thiếu cán bộ quản lý, nhiều người phải làm kiêm nhiệm rất vất vả, nhưng không được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là về y tế. Phác đồ điều trị cai nghiện lạc hậu, trong khi các chất ma túy mới ngày càng nhiều, biểu hiện lâm sàng của người nghiện diễn biến phức tạp nên hiệu quả điều trị thấp… Những người làm công tác điều trị nghiện phải duy trì ca trực 24/24 giờ, kể cả ngày lễ, tết, thứ Bảy, Chủ nhật nhưng không được nghỉ bù sau đó. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau đoàn kết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Thầy và trò” cùng vượt khó

Anh Thắng dẫn chúng tôi đi tham quan Cơ sở. Nhìn nơi ăn chốn ở của các học viên, nghe cách họ kính trọng chào anh Thắng một tiếng thầy xưng con, khiến tôi nghèn nghẹn. Bởi những gì tìm hiểu, chứng kiến ở nơi đây cho chúng tôi một sự trải nghiệm, thấu hiểu, nể phục, bởi người “thầy” như anh Thắng khác biệt lắm! Thầy không chỉ có nhiệm vụ “khơi thông” những u mê, tăm tối trong tâm hồn người nghiện mà còn phải lo toan từng bữa ăn, giấc ngủ, lo điều trị “bệnh” cho các “trò” -  căn bệnh thế kỷ vẫn từng ngày, từng giờ thách thức cả nhân loại.

Khó là thế nhưng không thể không làm, không thể không dồn vào đó cả tâm và sức, bởi theo anh Thắng: Phàm là con người ai cũng có 2 phần thiện - ác. Người nghiện cũng vậy, mình phải biết khơi gọi cái thiện trong con người họ để đè bẹp cái ác, cái xấu. Họ khát khao muốn làm lại cuộc đời, nhưng thứ chất “ma quỷ” đã ngấm sâu vào máu, vào từng đường gân thớ thịt của họ, điều khiển họ nghĩ sai, làm sai và có hành động sai trong vô thức. Tội lắm! Khi hiểu sẽ thấy thương họ nhiều hơn. Và chỉ có hiểu, có thương mới vượt qua được khó khăn, vất vả để chia sẻ, giúp đỡ họ, mong họ sống tốt được phần nào hay phần đó.

Chẳng thế, một con người có tâm, có tầm như thầy Thắng, đã lãnh đạo tập thể cán bộ, nhân viên Cơ sở vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, công tác an ninh trật tự tại đơn vị luôn được đảm bảo; không có hiện tượng học viên bỏ trốn, bắt nạt nhau; không có sự vụ phức tạp xảy ra. Các học viên yên tâm điều trị, sau khi cắt cơn tích cực lao động trị liệu… Năm 2023, Cơ sở tiếp nhận điều trị 139 lượt học viên, trong đó 62 lượt học viên đã tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ sở đã liên kết dạy nghề đan ghế nhựa cho hơn 70 học viên; mở lớp may công nghiệp cho 10 học viên; có 9 học viên được đi lao động nghề may ở Nga; hướng dẫn các học viên khác làm nghề xây dựng, cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi… Hiện nay, Cơ sở nhìn giống như một nông trại, với đàn lợn ủn ỉn trong chuồng, ruộng rau xanh non, thanh long, chuối tiêu hồng… mùa nào thức ấy, góp phần cải thiện bữa ăn cho cả “thầy và “trò”. Một hec-ta cây sắn đủ để cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Chia tay Cơ sở, lòng tôi đan xen những vui - buồn. Vui vì những nỗ lực, cố gắng của “thầy và trò” nơi đây đã thu được nhiều thành quả; buồn vì dường như họ đang bị “bỏ quên” trong hành trình vượt khó, khi thiếu sự quan tâm, hỗ trợ cần thiết từ phía cấp, ngành chức năng (!?).