Lạp xường Bắc Kạn

15:45, 12/06/2011

Đã thành lệ, cứ đến gần Tết Nguyên đán, tôi lại gửi người bạn cùng cơ quan vốn quê Bắc Kạn mua cho vài cân lạp xường, vừa để ăn Tết, vừa làm quà hai bên nội ngoại. Ở Thái Nguyên không hiếm món ăn này, nhưng lạp xường Bắc Kạn có một đặt điểm riêng mà chẳng nơi nào có được, chỉ một lần ăn mà nhớ mãi.

 

Làm lạp xường cũng rất cầu kỳ và công phu. Đầu tiên phải chọn lòng để làm lớp vỏ lạp xường. Lòng non để làm lạp xường phải chọn đoạn lòng đắng vì phần lòng này dai và khá dày. Sau khi tuốt rửa sạch lại phải bóc, lột bỏ lớp vỏ ngoài của lòng đi, chỉ lấy lớp màng mỏng bên trong. Việc bóc lòng không khó, chỉ cần khéo léo và nhẹ tay một chút. Lòng bóc xong, thổi hơi vào cho phồng lên, buộc chặt hai đầu, đem hong chỗ thoáng gió. Khoảng một tiếng đồng hồ, bộ lòng se lại, mỏng và dai như ni lông. Thế là được phần vỏ lạp xường.

 

Để làm nhân lạp xường người ta chọn loại thịt nửa nạc nửa mỡ. Bởi nạc nhiều, lạp xường sẽ khô, sác; mỡ nhiều, lạp xường sẽ nhão, ăn mau ngấy nên loại thịt thích hợp nhất để làm lạp xường là thịt vai. Thịt được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt. Và không thể thiếu một ít rượu trắng, một ít nước gừng và một ít quả mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng. Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây thì ướp thịt với rượu trắng và nước gừng như vậy khiến cho lạp xường sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.

 

Công việc phức tạp nhất là nhồi lạp xường. Với một chiếc phễu và một chiếc đũa, từ từ dồn thịt vào cho đầy phần lòng non đã chuẩn bị. Để dễ làm, cứ nhồi được chừng hai ba mươi phân thì buộc lại thành khúc. Thỉnh thoảng lại lấy kim châm vài chỗ cho khí thoát ra để lạp xường khỏi nứt. Nhồi xong thì đem lạp xường đi phơi nắng cho khô dần. Hoặc đem hong trên gác bếp. Hơi ấm của bếp lửa sẽ làm lạp xường se lại, săn chắc. Lạp xường được nắng, được hơi lửa, cứ ánh lên màu đỏ hồng của thịt nạc xen những đường vân trắng ngà của thịt mỡ trông thật hấp dẫn. Ngày 27, 28 làm lạp xường thì khoảng mồng 2, mồng 3 tết là ăn được.

 

Lạp xường khi đã khô thì để nguyên cả khúc đem chiên cho chín sau đó mới thái lát, khi ăn chấm với mắm gừng. Hoặc thái lạp xường thành các khoanh dầy vừa phải, chờ cho mỡ trong chảo thật nóng già thì cho lạp xường vào, đảo lên, rưới thêm ít nước mắm, rắc thêm chút hành tươi. Đĩa lạp xường thơm phức, mới trông đã thấy thèm. Có người lại để nguyên cả khúc lạp xường đem chiên hoặc hấp trong nồi cơm cho chín sau đó mới thái lát, khi ăn chấm với mắm gừng hoặc muối ớt. Cũng ngon không kém

 

Lạp xường được làm bằng bàn tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.

 

Tuy chỉ là một món ăn bình thường nhưng lạp xường đã góp phần làm cho mâm cỗ tết của đồng bào Bắc Kạn thêm phần đậm đà, giàu hương vị.