Có nhiều điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, di tích lịch sử phong phú cùng đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực là điểm đến kết nối du lịch hấp dẫn, trở thành “viên ngọc xanh” của vùng núi phía Bắc.
Tỉnh Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai thí điểm khai thác du lịch thác Bản Giốc và thác Đức Thiên từ ngày 15-9 để thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: Internet |
Ngày 3-10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị “Cao Bằng - Điểm đến kết nối và phát triển”.
Tiềm năng đa dạng
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, giáp Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài trên 333km. Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, hồ Thang Hen, núi Mắt Thần, động Ngườm Ngao, động Ngườm Pục… Đặc biệt, thác Bản Giốc được đánh giá là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới.
Được ví như “Viên ngọc xanh” của khu vực Đông Bắc, Cao Bằng hấp dẫn du khách không chỉ bởi non nước hữu tình, thiên nhiên hùng vỹ mà còn bởi những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, trong đó 98 di tích đã được xếp hạng, 3 di tích quốc gia đặc biệt (Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950), 2 bảo vật quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh, hơn 2.000 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo.
Động Ngườm Ngao. Ảnh: Internet |
Cao Bằng còn có nghi lễ Then Tày, Nùng được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2018, Công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, có diện tích khoảng 3.390km2. Đây là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để Cao Bằng phát triển du lịch và kinh tế.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Cao Bằng là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình hợp tác du lịch liên quốc gia.
Ngày 15-9, tỉnh Cao Bằng phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện thí điểm cho du khách qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc của Việt Nam và Đức Thiên của Trung Quốc với kỳ vọng đây là mô hình hợp tác du lịch xanh, du lịch bền vững tiêu biểu.
Triển lãm ảnh trong không gian giới thiệu văn hóa Cao Bằng tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, với nhiều tiềm năng thiên nhiên, đa dạng văn hóa, tỉnh hướng tới tập trung phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Cao Bằng thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Cao Bằng cũng định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế đường biên giới với Trung Quốc.
Hợp tác, kết nối để phát triển
Bên cạnh việc nhận định tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, tỉnh Cao Bằng cũng còn gặp nhiều thách thức, khó khăn. Ông Hoàng Xuân Ánh thừa nhận, cơ sở hạ tầng tại Cao Bằng còn hạn chế; việc khai thác du lịch chưa xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực thấp; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược…
Một số đặc sản Cao Bằng được giới thiệu trong không gian văn hóa Cao Bằng tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên |
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các đại sứ quán, doanh nghiệp nước ngoài cũng gợi ý nhiều giải pháp để Cao Bằng phát huy tiềm năng thế mạnh.
Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam Latana Shihara cho rằng, với sự tương đồng về điều kiện thiên nhiên và địa lý, tỉnh Cao Bằng có thể nghiên cứu việc hợp tác với một số tỉnh của Lào như Luang Prabang, Xiêng Khoảng để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch cũng như có thể thu hút các nhà đầu tư của hai bên phát triển kinh tế.
Còn theo ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, Cao Bằng là tỉnh khá xa nhưng có nhiều sự hấp dẫn tự nhiên. Ông Hong Sun đề xuất, Cao Bằng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết với một số doanh nghiệp Hàn Quốc để đưa sản phẩm tới thị trường nước này. Bên cạnh đó, Cao Bằng có thể khai thác thế mạnh với số lượng dân tộc thiểu số đông (95%) để phát triển du lịch.
“Hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, nhưng khách Hàn biết rất ít về Cao Bằng. Tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá để thu hút nhà đầu tư và du khách Hàn Quốc”, ông Hong Sun chia sẻ.
Món ăn đặc sản của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Hoàng Quyên |
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam Marko Moric đánh giá, Cao Bằng được ví như “Viên kim cương” có thể làm giàu cho kinh tế Việt Nam. Tỉnh cần tận dụng các cơ hội, đẩy mạnh hợp tác, cởi mở thông tin để có thể liên kết hợp tác với doanh nghiệp các nước. Hiệp hội doanh nghiệp Trung và Đông Âu sẽ hỗ trợ để sự hợp tác hai bên đạt hiệu quả.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh đã có Quyết định số 1452/QĐ-UBND ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022-2025 với 102 dự án trong các lĩnh vực phát triển đô thị, giao thông, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… Đặc biệt là dự án chủ lực đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Thời gian tới, Cao Bằng sẽ tổ chức nhiều sự kiện để đẩy mạnh quảng bá như: Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2023; Lễ hội Thác Bản Giốc…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin