Ngày 15-6, Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề "An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia" diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Ban Cơ yếu Chính phủ, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức.
GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ và PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì Hội thảo.
Hội thảo là sự kiện nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Nhà nước: "Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia", mã số KX.04.32/21-25 (thuộc Chương trình Nghiên cứu Khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng chủ trì).
Hội thảo có vai trò quan trọng trong việc xác định, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng và mật mã, quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là quản trị an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, cho rằng ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập cũng như tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là công tác trọng tâm có tính chiến lược của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đã đạt được những thành tựu quan trọng: phòng ngừa và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; làm thất bại âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động.
Hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước do lực lượng chuyên trách đảm nhận. Với việc xem "không gian mạng" là vùng lãnh thổ đặc biệt thì bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội của các quốc gia.
TS Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Ban Cơ yếu Chính phủ, phát biểu khai mạc Hội thảo. |
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2022, Bộ Công an ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng. Hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội.
Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin trọng yếu của an ninh quốc gia nhằm phá hoại cơ sở dữ liệu, gây gián đoạn hoặc chiếm quyền điều khiển diễn ra thường xuyên hơn. Vấn đề an ninh mạng đang đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích những điểm mới về mặt lý luận và thực tiễn, tìm kiếm những phương châm, giải pháp từ góc độ mật mã, góc độ quản trị để phòng ngừa, ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phát biểu đề dẫn Hội thảo. |
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cơ sở chính trị, pháp lý để bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đánh giá thực trạng của vấn đề. Từ đó tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng và cơ yếu cũng như tập trung nguồn lực cho quản trị an ninh mạng. Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách về văn hóa, sức mạnh mềm trong an ninh mạng, mật mã, chính sách quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin