Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Kế tục truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta

Theo qdnd.vn 08:15, 11/02/2024

Xuân Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã thực hiện đòn tiến công chiến lược, đồng loạt đánh vào cơ quan chỉ huy, căn cứ quân sự của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trong các đô thị khắp miền Nam. Đòn tiến công táo bạo đã làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ trên chiến trường miền Nam, đẩy chiến lược “chiến tranh cục bộ” mà Mỹ đã thực thi từ đầu năm 1965 đi đến chỗ phá sản. Nhưng hơn hết, đã làm cho ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay. Đây chính là sự kế tục truyền thống đánh giặc giữ nước, thể hiện tư tưởng chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn về Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn về Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu 

Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đó là những lần tổ tiên ta phải đối đầu với thế lực ngoại xâm cường bạo, hơn hẳn về tiềm lực kinh tế-quốc phòng; dân số và quân số, vượt trội về sức mạnh quân sự. Cuối năm 1076, nhà Tống phát binh xâm lược Đại Việt, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, quân dân ta đã lập phòng tuyến sông Như Nguyệt, chặn địch tiến quân vào Thăng Long. Bất lợi về tương quan lực lượng, Lý Thường Kiệt đã không chủ trương tiến công bao vây, tiêu diệt toàn bộ quân địch mà quyết định mở cuộc tập kích lớn vào đại bản doanh quân Tống “chỉ trong vòng một đêm, cả khu doanh trại tập trung đến ba, bốn vạn quân Tống… bị đánh tan, năm, sáu phần mười quân địch”; thắng lợi này đã đè bẹp ý chí xâm lược, buộc nhà Tống phải chấp nhận “giảng hòa” rút quân về nước.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), trên cơ sở đánh giá đúng âm mưu và sức mạnh của địch cũng như tinh thần và khả năng chiến đấu của quân, dân Đại Việt, Trần Quốc Tuấn đã chọn Bạch Đằng để tiến hành trận quyết chiến chiến lược. Chiến thắng Bạch Đằng ngày 9-4-1288 đã tiêu diệt một lực lượng lớn thủy binh gồm 500-600 chiến thuyền; “đánh thắng hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên-Mông”. Từ sau thất bại này, cộng với những khó khăn trong nước nhà Nguyên phải bỏ hẳn ý định thôn tính nước ta.

Trong cuộc kháng chiến lâu dài chống quân Minh, sau khi giành được thắng lợi quan trọng ở Nghệ An, Thanh Hóa, tạo thế vững chắc cho phát triển lực lượng, Lê Lợi đã lập thế trận, giành thắng lợi quan trọng ở Chúc Động-Tốt Động (11-1426), đánh bại cuộc phản công ngót 10 vạn quân do Vương Thông chỉ huy, đánh sập ý đồ xoay chuyển cục diện, giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường của quân xâm lược. Tiếp theo chiến thắng Chúc Động-Tốt Động, thắng lợi Chi Lăng-Xương Giang cuối năm 1427 đã khiến cho ý chí xâm lược của nhà Minh bị lung lay, phải từ bỏ mưu đồ xâm lược nước ta.

Năm 1789, trên đường hành quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung kêu gọi quân sĩ “đánh một trận giành toàn thắng, làm cho bọn xâm lược từ nay về sau không còn nuôi ý chí điên cuồng muốn chiếm lấy đất nước ta”. Thực hiện ý định, quân dân ta đã làm nên thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi-Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam nhất tề đứng dậy, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng với bản chất cố hữu của kẻ thực dân, được sự trợ giúp của các thế lực đế quốc, thực dân Pháp đã trở lại xâm chiếm Đông Dương. Kế tục truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, bước vào cuộc kháng Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp với trận quyết chiến, chiến lược Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954.

Lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong tương quan lực lượng hết sức chênh lệch, nghiêng hẳn về phía đối phương; trong suốt quá trình kháng chiến, Đảng luôn chú trọng đẩy mạnh tiến công quân sự, tiến tới đập tan ý chí xâm lược của địch, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tháng 10-1967, trên cơ sở nắm chắc tình hình, so sánh tương quan lực lượng, Bộ Chính trị đi đến quyết định: “Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam”.

Đêm Giao thừa và đêm Mồng 1 Tết Mậu Thân 1968 (ngày 30 và ngày 31-1-1968), trên toàn chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy, đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của Mỹ-ngụy, bao gồm cả 4 bộ tư lệnh quân khu-quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu ngụy, 2 bộ tư lệnh dã chiến, 30 sân bay, nhiều tổng kho lớn. Trong đó có những trận gây chống động lớn như đánh Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và 26 ngày đêm làm chủ thành phố Huế.

Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân và dân ta đã diệt và làm tan rã 15 vạn tên địch, có 4 vạn quân Mỹ, phá hủy khoảng 1/3 vật tư chiến tranh của Mỹ ngụy, phá 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn một triệu dân. Thắng lợi oanh liệt của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ"-chiến lược chiến tranh quan trọng nhất, được Mỹ công phu chuẩn bị; buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Quá trình tiến hành chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng đã nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là sự kế tục truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên đã được Đảng ta nâng tầm trong thời đại Hồ Chí Minh, được thể hiện rõ ở chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây cũng chính là thành công quan trọng trong điều hành chiến tranh của Đảng.