Cuộc đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra cuối năm nay giữa ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney và đương kim Tổng thống Barack Obama đã bước vào giai đoạn quyết liệt.
Nhóm vận động tranh cử của ông M.Romney ngày 9-7 cho hay, đã quyên góp được tới 106 triệu USD trong tháng 6, vượt hơn nhiều so với mức 71 triệu USD của Tổng thống B.Obama trong cùng thời gian. Đây là tháng thứ hai liên tiếp ứng cử viên M.Romney vượt Tổng thống B.Obama trong gây quỹ cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào cuối tháng 11 tới. Khả năng gây quỹ của M.Romney thực sự đáng ngạc nhiên khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn khoảng 4 tháng nữa mới diễn ra. Giới bảo thủ giàu có được cho là đang đổ tiền vào các nhóm hỗ trợ M.Romney.
Gây quỹ là yếu tố hết sức quan trọng trong bầu cử tổng thống ở Mỹ khi các ứng cử viên phải đi khắp nước trong nhiều tháng với nhiều chiến dịch quảng cáo tiêu tốn tới hàng trăm triệu USD. Tuy ứng viên M.Romney đã vượt lên cách biệt với đương kim Tổng thống B.Obama về tiền quyên góp cho chiến dịch tranh cử nhưng theo một loạt kết quả thăm dò dư luận công bố cùng thời điểm này đều cho thấy một chiều hướng chung là ông B.Obama vẫn đang duy trì được ưu thế dẫn điểm. Trong số 3.147 cử tri trên cả nước Mỹ được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại ở thời điểm hiện tại có 48% cam kết ủng hộ nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ hai của ông B.Obama so với 43% muốn chọn ông M.Romney làm người thay thế. Dẫn 5% là khoảng cách lớn nhất giữa ông chủ đương quyền của Nhà Trắng so với vị cựu Thống đốc 65 tuổi kể từ tháng 4 vừa qua - thời điểm ông B.Obama dẫn trước ông M.Romney khoảng 7%.
Khoảng thời gian 4 tháng còn lại là thời điểm quan trọng để cả đương kim Tổng thống B.Obama lẫn ứng viên M.Romney vào "nước rút" nhằm cán đích cuộc đua vào Nhà Trắng trong tháng 11 tới. Đến nay, vấn đề kinh tế vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nước Mỹ đang phải vật lộn để phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Nếu đến tháng 11-2012, tỷ lệ thất nghiệp không giảm và tình hình kinh tế Mỹ không được cải thiện rõ rệt sẽ gây trở ngại không nhỏ cho Tổng thống B.Obama tái cử. Ngày 6-7, Bộ Lao động Mỹ thông báo mới chỉ tạo được 80.000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn so với dự đoán của các chuyên gia. Điều này gây bất lợi cho Tổng thống B.Obama khi đang vận động tranh cử tại các bang quan trọng.
Theo các chuyên gia kinh tế, quý II năm nay là thời kỳ tồi tệ nhất trong quá trình tạo việc làm ở Mỹ trong suốt hai năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức 8,2%. Đây là con số không như mong đợi. Các nhà phân tích còn cho rằng, khó có khả năng Mỹ sẽ tạo thêm được việc làm trong thời gian tới do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu. Sức mua hàng hóa "made in USA" của người tiêu dùng Châu Âu giảm mạnh do phải "thắt lưng buộc bụng" là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất ở Mỹ bị đình trệ. Tận dụng tâm lý "khát việc" của cử tri Mỹ, ứng cử viên M.Romney trong chiến dịch tranh cử đã tung ra chính sách thúc đẩy tạo việc làm trong ngắn hạn. Nhưng, chính sách này dường như cũng không mấy thuyết phục. Ông M.Romney nói rằng sẽ bảo đảm cho người Mỹ có thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực năng lượng. Nhưng, thực tế là ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ đã phát triển đáng kể từ năm 2007 và hiện vẫn sử dụng ít hơn 200.000 người. Như vậy, nước Mỹ thật khó tạo thêm được việc làm trong lĩnh vực này, ngay cả khi có thể tăng gấp đôi sản lượng khai thác dầu mỏ trong một thời gian ngắn.
Trước tình hình kinh tế chưa thật sự khởi sắc, ngày 9-7, ông B.Obama lại một lần nữa kêu gọi Quốc hội gia hạn mức thuế 1 năm cho các gia đình có thu nhập ít hơn 250.000 USD mỗi năm, bất chấp đề nghị này hứa hẹn một cuộc tranh luận nảy lửa về thâm hụt ngân sách trong những ngày tới của chiến dịch tranh cử. Thông điệp này cho thấy ông B.Obama là ứng cử viên ủng hộ tầng lớp trung lưu trong khi Đảng Cộng hòa và đối thủ M.Romney đứng về phía những người giàu có.
Thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 45 của Mỹ càng đến gần càng khiến chính trường Mỹ nóng lên từng ngày.