Lời giải chống suy giảm của các nước

09:46, 11/07/2012

Hiện nay, có hai xu hướng chủ đạo mà nhiều nền kinh tế lựa chọn, là bơm tiền kích thích tăng trưởng hoặc thực hiện chính sách khắc khổ, “thắt lưng buộc bụng”.

Có nước áp dụng hàng loạt biện pháp để bơm tiền ra thị trường, có nước lại không thể thực hiện các gói kích thích vì thâm hụt ngân sách và nợ công đang ở mức cao.

 

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều phải duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng ở châu Âu lan rộng, còn Mỹ và Nhật Bản phục hồi quá chậm chạp. Tuy nhiên, vấn đề của hai nước này rất khác nhau. Trung Quốc không muốn lặp lại những sai lầm từ các biện pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính cuối năm 2009. Trong khi đó, Ấn Độ lại cố gắng thi hành các biện pháp cải tổ mà nước này đã thất bại trong những năm gần đây.

 

Tăng trưởng GDP ở Trung Quốc chỉ còn 8,1% trong quý I, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và có thể xuống tới 7,5% vào quý II này. Vì vậy, nếu cuộc khủng hoảng eurozone vẫn tiếp tục, hoặc các biện pháp kích thích không được triển khai tốt, thì tốc độ này có thể còn thấp hơn nữa.

 

Tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào thương mại. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu ròng nước này chiếm 7,7% GDP. Tuy nhiên, năm 2011, tỷ lệ trên giảm xuống chỉ còn 2,6%. Lạm phát tháng 6 của Trung Quốc tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong vòng 29 tháng. Nợ chính phủ hiện tại chiếm 22% GDP. Cuối tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng thừa nhận nước này đang phải chịu “áp lực suy giảm rất lớn” và cam kết sẽ duy trì tăng trưởng.

 

Phần lớn kinh tế Trung Quốc nằm trong tay các doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, Chính phủ có thể dễ dàng thực hiện các chính sách kích thích. Gần đây, nước này đã cấp phép xây dựng cho hai nhà máy thép và một số dự án năng lượng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cắt lãi suất lần thứ hai trong vòng một tháng, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng.

 

Tuy nhiên, thách thức thật sự của Trung Quốc là làm thế nào để không “vung tay quá trán”. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, quốc gia này đã yêu cầu các ngân hàng Nhà nước cho vay thật nhiều. Kết quả là một lượng tiền lớn đã được bơm ra thị trường thông qua các dự án hạ tầng và bất động sản. Động thái này thực sự đã thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng nợ xấu và thổi phồng bong bóng bất động sản mà nước này phải mất tới hai năm sau đó để giải quyết.

 

Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ cũng phải tìm cách thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nước này có rất ít giải pháp tiềm năng. Tăng trưởng GDP quý I của Ấn Độ chỉ đạt 5,3% - thấp nhất trong vòng 9 năm. Thâm hụt ngân sách cũng ở mức 5,8% trong nhiều năm, phá vỡ mục tiêu 4,6%. Trong khi đó, nợ chính phủ hiện chiếm 67,6% GDP. Vì thế, theo các chuyên gia, nước này còn rất ít “room” cho các gói kích thích tài chính.

 

Ấn Độ cần thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp vốn đang mệt mỏi vì sự thay đổi chính sách thuế và thủ tục của nước này. Đồng rupee Ấn Độ đã liên tục giảm giá so với USD trong năm qua. Một phần do các nhà đầu tư lo ngại về tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai cao của nước này với 4% GDP. Nội tệ suy yếu đã làm giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao và các khoản vay nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn với doanh nghiệp tại đây.

 

Trong tháng 4, Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã giảm lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm để bơm tiền vào các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi cả nền kinh tế đang trông chờ vào động thái tiếp theo, thì tháng trước, cơ quan này lại tuyên bố không thể cắt giảm thêm nữa vì lạm phát đã lên tới 7,6%.

 

Bơm tiền để kích thích tăng trưởng cũng là giải pháp đang được một số nước lựa chọn. Chính phủ Brazil vừa công bố một loạt biện pháp, trong đó có gói mua sắm công trị giá hơn 8.400 tỷ real, tương đương 4,1 tỷ USD.

 

Đây là gói kích thích kinh tế đầu tiên của các nền kinh tế thế giới sau thời gian dài khủng hoảng và trì trệ. Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff tuyên bố kích thích kinh tế này sẽ giúp tăng cường năng lực của chính phủ trong việc duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế. Mặc khác, cũng để kích thích kinh tế, chính phủ sẽ giảm lãi suất tín dụng doanh nghiệp dài hạn từ 6%/năm hiện nay xuống còn 5,5%.

 

Trong khi đó, trái ngược với giải pháp trên, nhiều nước lại phải thực hiện chính sách khắc khổ, “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu công.

 

Hiện Anh đang phải thực hiện chương trình cắt giảm ngân sách công mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và phải đối phó với tình hình đang leo thang trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).  

 

Quốc hội Tây Ban Nha vừa thông qua dự thảo ngân sách "thắt lưng buộc bụng" năm 2012, với mục tiêu tiết kiệm khoản kinh phí kỷ lục 27 tỷ Euro nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách.

 

Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ mức 8,9% hồi năm ngoái xuống còn 5,3% trong năm nay và phấn đầu giảm tiếp xuống mức quy định 3% của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013.