Phó Đặc phái viên Alexander Pankin: "Điểm chính của Dự thảo là hỗ trợ các nỗ lực của ông Kofi Annan và những thỏa thuận đạt được tại Geneva".
Nga đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một dự thảo Nghị quyết, đề xuất rằng thời gian thực hiện sứ mệnh của các quan sát viên quốc tế ở Syria nên kéo dài thêm ba tháng, một Phó Đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết.
"Dự thảo này không hề mang tính đối đầu", Phó Đặc phái viên Alexander Pankin trả lời phỏng vấn báo chí Nga hôm thứ Ba (10/7). "Điểm chính của Dự thảo là hỗ trợ các nỗ lực của ông Kofi Annan và những thỏa thuận đạt được tại cuộc họp Geneva".
Số lượng các quan sát viên lên đến 300 người đã tới Syria từ tháng Năm và ở lại đến 21/7. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong tuần trước đã đề xuất một số nhiệm vụ của Nhóm quan sát HĐBA trong tương lai, bao gồm tăng số lượng quan sát viên dân sự và cắt giảm số lượng các quan sát viên quân sự, cũng như thay đổi chức năng nhằm tổ chức đối thoại chính trị.
Ông Pankin cho biết, Nga ủng hộ đề nghị thay đổi chức năng nhóm quan sát viên, và nói thêm rằng sẵn sàng chào đón các ý kiến đề xuất sửa đổi dự thảo Nghị quyết của Nga. Phương Tây cũng đang đưa ra các dự thảo về giải pháp với Syria. "Chúng tôi thấy cắt giảm sự hiện diện của Liên Hợp Quốc ở Syria là phương án tệ hại", ông nói.
Trước đó, ông Annan đã đề xuất một kế hoạch ổn định cho Syria bằng một lệnh ngừng bắn giữa chính quyền và phe đối lập và kêu gọi hai bên đối thoại chính trị. Ngày 30/6, Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc “Nhóm Hành động”, trong đó bao gồm các cường quốc phương Tây, Nga và Trung Quốc tổ chức tại Geneva, ủng hộ phương án thành lập một "Chính phủ chuyển tiếp với đầy đủ quyền hành pháp" ở Syria, bao gồm tất cả các bên đối lập.
Các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ, nói rằng Thoả thuận Geneva nói rõ rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải đi.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng Năm, khoảng 10.000 người đã bị giết chết ở Syria kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống al-Assad tháng 3/2011. Tổ chức quan sát Syria về vấn đề Nhân quyền có trụ sở tại London, thông báo vào hôm thứ Hai (9/7) rằng số người chết đã lên tới 16.500. Trong số đó, khoảng 5.000 binh sĩ chính phủ và quân đội đào ngũ. Tháng Sáu là tháng đẫm máu nhất của cuộc khủng hoảng từ trước tới nay, với khoảng 100 người chết mỗi ngày.
Hội đồng Bảo an LHQ cho đến nay đã thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Nga và Trung Quốc cũng từ chối bất kỳ kế hoạch can thiệp nào từ bên ngoài đối với Syria. Hai nước này cho rằng cả chính quyền và phe đối lập nên có biện pháp để ngăn chặn bạo lực./.