Chính sách “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối diện với cơn gió nghịch khi nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện những tín hiệu suy yếu, cùng những thảo luận còn chưa ngã ngũ trong nội bộ - tờ Asian Nikkei Review ngày 4-11 bình luận.
“Thịnh vượng chung” là khái niệm được đề cập nổi bật trong thời gian gần đây tại Trung Quốc, liên quan đến điều chỉnh mô hình và mục tiêu phát triển tại Trung Quốc trong giai đoạn mới. Bài phân tích đăng trên mạng Tân Hoa Xã ngày 24-10 khẳng định “Thịnh vượng chung” không phải là phát triển cào bằng, “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, mà là việc “từng bước hiện thực hóa về thịnh vượng hài hòa cho tất cả mọi người”.
Bài viết có tiêu đề “10 câu hỏi về kinh tế”, ngầm phản ánh những lo lắng về “Thịnh vượng chung”, với nhiều đánh giá được trích dẫn qua các cuộc phỏng vấn với “người có thẩm quyền”. Một nguồn tin ẩn danh đánh cho rằng cần phải nhìn nhận lý do tại sao quan điểm “làm chiếc bánh to ra” được nêu trở lại sau 10 năm. Nó là bằng chứng cho thấy đã có những thảo luận căng thẳng trong nội bộ Trung Quốc về cách thức triển khai, thúc đẩy “thịnh vượng chung”.
Bài xã luận nhấn mạnh mục tiêu của thịnh vượng chung là “làm cho chiếc bánh phình rộng ra”, dựa trên mô hình phát triển chất lượng cao gắn với nền tảng và điều kiện cần thiết đi kèm. Để “làm to chiếc bánh”, Trung Quốc cần mở rộng thành phần trung lưu, tăng thu nhập với đối tượng thu nhập thấp và điều chỉnh hợp lý ở đối tượng có thu nhập cao. “Chiếc bánh” ở đây được hiểu là hình ảnh so sánh về thành tựu, lợi ích kinh tế thu được từ tiến trình phát triển.
Tuy nhiên, chiến lược mới này đang gặp phải những khó khăn khi nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện nhiều tín hiệu suy yếu. GDP trong quý 3 vừa qua tăng 4,9%. Chỉ số sản xuất PMI đứn ở mức 99,2 điểm trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020 - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán.
Tại Trung Quốc, quản lý kinh tế được phân mảng rõ ràng theo chức trách của từng cá nhân lãnh đạo. Thủ tướng Lý Khắc Cượng phụ trách khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc và mảng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phó Thủ tướng Hàn Chính theo dõi mạng cải cách thuế bất động sản, điều phối, kiểm soát giá bất động sản.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người phụ trách triển khai “Thịnh vượng chung”, cũng không thể bỏ qua xu hướng kinh tế thiếu tích cực. Được coi là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc không được phép để xuất hiện cáo buộc, chỉ trích nhằm vào ông Tập Cận Bình khi nền kinh tế gặp khó khăn, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến hành Đại hội lần thứ 20 vào năm sau.
Câu chuyện về “chiếc bánh” từng xuất hiện trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 năm 2012 và đằng sau đó là cuộc cạnh tranh, cụ thể là giữa Bí thư Trùng Khánh thời điểm đó Bạc Hy Lai và ông Uông Dương, hiện là Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc.
Ông Bạc Hy Lai cho rằng cần ngay lập tức chia đều, bình đẳng “chiếc bánh” khi trong xã hội đã xuất hiện tâm lý phản kháng về bất bình đẳng cũng như tâm lý tôn thờ tiền bạc. Ông Uông Dương phản đối luận điểm này, nhấn mạnh sự cần thiết phải làm “chiếc bánh to lên” trước khi tính đến tăng thu nhập cho người nghèo. Ông Bạc Hy Lai phản bác lại, cho rằng mục tiêu cải cách và mở cửa không phải là làm giàu cho một số ít, nhóm cá nhân.
Chính quyền Trùng Khánh sau đó thông qua một nghị quyết về “thúc đẩy thịnh vượng chung” theo đường hướng của ông Bạc Hy Lai. Thông điệp của nghị quyết này cũng giống với thông điệp về “thịnh vượng chung” hiện nay.
Thời điểm nào để phân phối thành quả kinh tế công bằng sẽ là điều mà ban lãnh đạo Trung Quốc phải cân nhắc. Xuất hiện đồn đoán trong chính giới Trung Quốc về việc ông Uông Dương sẽ ở lại, tham gia Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa tới, với một chức danh phù hợp. Bằng cách này, ông Tập Cận Bình muốn trấn an các công ty, thị trường và cộng đồng quốc tế. Lý thuyết về phân chia chiếc bánh ở một góc độ nào đó vẫn là sự tiếp nối của chính sách “để một bộ phận cá nhân giàu trước” được đưa ra từ thời ông Đặng Tiểu Bình.