Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đối mặt nhiều thách thức phức tạp

14:09, 04/09/2022

Những cuộc đàm phán về khí hậu của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa kết thúc tại Bali (Indonesia) mà không có tuyên bố chung. Sự chia rẽ giữa các nước thành viên về cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp và biến đổi khí hậu có thể trở thành một chất xúc tác làm gia tăng các cuộc khủng hoảng hiện hữu.

Hội nghị G20 về khí hậu tại Bali (Indonesia) đã không thể ra được tuyên bố chung.
Hội nghị G20 về khí hậu tại Bali (Indonesia) đã không thể ra được tuyên bố chung.

Diễn ra trong một ngày (31-8), hội nghị lần này có sự hiện diện của Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry; Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) Alok Sharma và các quan chức từ Ấn Độ, Australia, Italia, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu...

Các đại biểu đã thảo luận về việc thực hiện đóng góp của mỗi quốc gia G20 trong việc chống lại biến đổi khí hậu và đồng bộ hóa các mục tiêu giữa các nước đang phát triển và phát triển.

Trong vai trò là nước chủ nhà, Bộ trưởng Môi trường Indonesia Siti Nurbaya Bakar đã kêu gọi các nước thành viên thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Tất cả các bộ trưởng môi trường G20 đã nhất trí giảm tác động của suy thoái đất và hạn hán, tăng cường bảo vệ bảo tồn và phục hồi bền vững các hệ sinh thái, đất và rừng, nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, những bất đồng trong ngôn ngữ về các mục tiêu khí hậu cũng như cuộc xung đột ở Ukraine đã ngăn cản một tuyên bố chung được đưa ra. Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten chia sẻ với CNBC: “Một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn khiến giá cả trên toàn thế giới tăng cao, và điều này cũng không giúp ích gì cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bởi vì rất nhiều quốc gia đang quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch một lần nữa”.

Các nước thành viên G20 chiếm khoảng 75% lượng khí thải toàn cầu. Vào năm 2021, G20 đã công nhận rằng việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp sẽ là bước đi "có ý nghĩa và hiệu quả". Thế nên, Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho rằng việc các nước G20 không ra tuyên bố chung là một vấn đề thực sự đáng lo ngại.

Một số nền kinh tế lớn đang đi ngược lại các cam kết họ đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Paris (Pháp) năm 2015 hay tại Glasgow (Anh) năm 2021. Nếu G20 không thực hiện các cam kết, triển vọng đạt được mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C sẽ không thành hiện thực.

Cuộc họp về khí hậu của G20, do Indonesia chủ trì năm nay, diễn ra trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan như hỏa hoạn, lũ lụt… đã tấn công nhiều nơi trên thế giới. Các nhà khoa học cho biết hầu hết các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy là do con người gây ra, khiến trái đất tiến gần đến ngưỡng tăng lên 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Một nghiên cứu vừa được công bố trong tháng trước cho thấy Bắc Cực đã ấm lên nhanh hơn gần 4 lần so với phần còn lại của hành tinh trong 40 năm qua, cho thấy các mô hình khí hậu và các chính phủ đang đánh giá thấp tốc độ ấm lên ở vùng cực.

Cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc sẽ diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập vào tháng 11 tới. Các nhà phân tích cho rằng, nếu biến đổi khí hậu thực sự là một thách thức tập thể toàn cầu, nó cần ý chí chính trị, sự đồng cảm và lãnh đạo mạnh mẽ hơn, đặc biệt là từ các quốc gia đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải toàn cầu. Qua đó bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương khỏi tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đồng thời hướng tới việc ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết những thảm họa trong tương lai.