“Đại dự án” năng lượng xanh của châu Âu

Theo qdnd.vn 08:30, 03/05/2023

Các quốc gia châu Âu đặt mục tiêu đầy tham vọng nhằm biến Biển Bắc trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới trong tương lai.

Các turbine gió trên đảo Langeoog (Đức) nằm ven bờ Biển Bắc. Ảnh: AP
Các turbine gió trên đảo Langeoog (Đức) nằm ven bờ Biển Bắc. Ảnh: AP

Vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc lần thứ hai tại thành phố Ostend (Bỉ) đã xác định hướng đi mới của Liên minh châu Âu (EU) về phát triển điện gió ngoài khơi. Theo đó, các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng Năng lượng của 9 quốc gia ven Biển Bắc, gồm cả vùng biển Celtic và biển Ireland, nhất trí mở rộng quy mô sản xuất nhằm xây dựng một mạng lưới điện gió khổng lồ trên khu vực biển này với tổng công suất 120GW vào năm 2030 và tăng lên 300GW đến năm 2050, qua đó đủ để cung cấp cho 300 triệu hộ gia đình, tức gần 3/4 dân số châu Âu.

Đây sẽ là bước tiến cực kỳ lớn của “lục địa già” trong việc tăng cường bảo đảm an ninh năng lượng cũng như chuyển đổi mô hình kinh tế xanh. “Chúng tôi mong muốn mang đến một châu Âu xanh hơn và độc lập về năng lượng”, Euractiv dẫn lời Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố.

Dự án mạng lưới điện gió ở Biển Bắc được ví như một công trình lớn nhất trong cả một thế hệ ở “lục địa già” và lớn hơn bất cứ một dự án nào ở tầm quốc gia. Đơn cử, Reuters đưa ra các con số để hình dung được quy mô cực kỳ lớn của dự án năng lượng xanh này. Theo đó, tổng công suất các nhà máy điện gió hiện tại trên Biển Bắc là 25GW/năm. Điều này đồng nghĩa với việc các nước tham gia dự án cần phải tăng gấp gần 5 lần sản lượng điện gió trong 7 năm tới và gấp 12 lần trong 30 năm tới.

Tuy nhiên, AFP cho biết dự án cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Về kinh tế, Ủy ban châu Âu (EC) ước tính các thành viên của liên minh mới về năng lượng gió cần chi tới 800 tỷ euro. Đây sẽ là đại dự án chung tốn kém nhất trong lịch sử châu lục này, dựa trên những dự án được công bố đến thời điểm hiện tại. Về kỹ thuật, các nước cũng cần phải nỗ lực “vượt bậc”. Trong khi Anh và Đức có lần lượt 14GW và 8GW điện gió ngoài khơi, công suất điện gió của các nước còn lại đều dưới 3GW.

Hiệp hội các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện gió châu Âu (WindEurope) ước tính mỗi năm châu Âu chỉ tăng được 7GW điện gió, trong khi để đạt được tham vọng đề ra thì cần thêm ít nhất 20GW điện gió ở Biển Bắc. Mặt khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý cần huy động tối đa nguồn lực của châu Âu, nghĩa là tránh việc phải nhập khẩu nguyên vật liệu và tạo cơ hội việc làm cũng như phát triển bền vững cho châu lục.

Nhiều năm qua, châu Âu đã nhận thức được tầm quan trọng của lộ trình chuyển đổi năng lượng, trong đó hướng tới dần chấm dứt các nguồn năng lượng hóa thạch, thay bằng năng lượng tái tạo, phấn đấu đến năm 2050 đạt mức trung hòa carbon. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng từ Nga bị hạn chế sau khi Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, châu Âu buộc phải thay đổi chiến lược năng lượng.

Không chỉ nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và dầu mỏ, “lục địa già” đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo-nguồn năng lượng duy nhất mà châu Âu có thể tự chủ, không phụ thuộc vào bên ngoài. Các tham vọng này được cụ thể hóa bằng Hiệp định xanh và sẽ được thúc đẩy mạnh hơn với Kế hoạch công nghiệp xanh mà EC sắp công khai chi tiết.

Hiện châu Âu đang tăng cường phát triển ngành năng lượng tái tạo để bù đắp phần nào năng lượng thiếu hụt cũng như giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. Euro News dẫn báo cáo do tổ chức tư vấn năng lượng Ember công bố cho biết, điện gió và điện mặt trời đã chiếm 22% tổng sản lượng điện của Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái, lần đầu tiên vượt qua điện khí (20%). Đến năm 2030, EU đặt mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 42,5% trong cơ cấu năng lượng.

Đồng thời, WindEurope cũng tính toán điện gió đang chiếm trung bình 15,1% tổng lượng điện được sản xuất tại EU. Trong xu thế đó, Biển Bắc nổi lên như một khu vực tiềm năng hàng đầu về điện gió ngoài khơi, góp phần giải bài toán an ninh năng lượng mang tính sống còn của châu lục. Việc Hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc lần thứ hai thu hút sự tham gia của 9 quốc gia so với chỉ có 4 nước ở hội nghị lần đầu tiên, cùng với cam kết xây dựng “đại dự án” trên đã thể hiện rõ điều đó.