Ngày 6/8 (giờ địa phương), Chính phủ Anh cho biết họ có kế hoạch bãi bỏ luật, được thông qua thời chính quyền tiền nhiệm, cho phép các chủ lao động trong các lĩnh vực công quan trọng yêu cầu người lao động duy trì mức dịch vụ tối thiểu trong quá trình đình công.
Nhân viên y tế tham gia đình công yêu cầu tăng lương tại London, Anh, ngày 11/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính phủ Bảo thủ đã áp dụng luật này từ mùa Hè năm 2023 sau hơn một năm đình công gây gián đoạn trên khắp mạng lưới đường sắt, bệnh viện và trường học, do yêu cầu tăng lương trước tình hình lạm phát tăng cao.
Công đảng, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 4/7 và chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ, lập luận các biện pháp này không giải quyết được tình trạng đình công và chỉ làm gia tăng căng thẳng bằng cách hạn chế quyền của người lao động.
Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds tuyên bố: "Bằng cách bãi bỏ mức dịch vụ tối thiểu, chúng tôi sẽ thiết lập lại quan hệ lao động, để chúng dựa trên đàm phán và mặc cả thiện chí, chấm dứt tình trạng hỗn loạn và khôi phục niềm tin vào các dịch vụ công".
Bộ trưởng Y tế Wes Streeting, cho rằng Đạo luật này đã không giải quyết được các cuộc đình công gay gắt dẫn đến việc hủy bỏ các hoạt động và khiến Cơ quan y tế quốc gia (NHS) thiệt hại hàng tỷ USD. Bà nhấn mạnh Chính phủ đã đàm phán với Ủy ban Bác sĩ trẻ (BMA) ngay từ đầu và đạt thỏa thuận chấm dứt đình công chỉ sau ba tuần và việc bãi bỏ luật này sẽ giúp thiết lập lại mối quan hệ giữa chủ lao động với nhân viên trong ngành y tế.
Hoạt động đình công trong NHS đã khiến ngân sách công thiệt hại 1,7 tỷ bảng Anh vào năm ngoái trong khi nhiều ngành dịch vụ công khác cũng phải chịu thiệt hại.
Chính phủ cho biết việc bãi bỏ chính thức luật này sẽ là một phần của Dự luật Quyền lao động mới, dự kiến sẽ được đưa ra trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền của Công đảng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin