Các nhà khoa học cho biết việc xử lý các nguồn rò rỉ khí methane (CH4) và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để ngăn chặn hậu quả thảm khốc của sự nóng lên toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), năm 2021 chứng kiến nồng độ khí methane trong khí quyển tăng thêm 17 ppb - mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ khi các phương pháp đo đạc hiện đại bắt đầu được thực hiện vào năm 1983. Kỷ lục trước đó là 15,3 ppb, được ghi nhận năm 2020.
Trong khi khí carbon dioxide (CO2) thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch có thể tồn tại trong khí quyển và góp phần khiến Trái Đất nóng lên qua nhiều thế hệ, thì khí methane lại có tuổi thọ ngắn hơn.
Tuy nhiên, methane lại là chất khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều so với CO2. Loại khí này có khả năng giữ nhiệt cao hơn gấp 25 lần và đóng vai trò như một “động lực ngắn hạn” của khủng hoảng khí hậu.
Các nhà khoa học nhận định việc nhanh chóng cắt giảm khí methane có thể giúp hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu thảm khốc hiện nay. Tuy nhiên, sự gia tăng kỷ lục nồng độ methane trong khí quyển cho thấy loại khí này đang bị rò rỉ từ hoạt động khai thác dầu khí và thải ra từ hoạt động nông nghiệp với tốc độ nguy hiểm.
Ông Rick Spinrad, một quản trị viên của NOAA cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng phát thải khí methane toàn cầu tiếp tục di chuyển chệch hướng với tốc độ nhanh chóng. Đây là một thực tế đáng báo động và không thể phủ nhận”.
Theo NOAA, khí methane được thải ra từ nhiều nguồn khác nhau, từ sự phân hủy chất hữu cơ trong các vùng đất ngập nước cho đến sự ợ hơi của bò. Mặc dù không chắc chắn về nguyên nhân chính xác đằng sau sự tăng vọt nồng độ CH4 trong khí quyển, song NOAA cho rằng khoảng 1/3 lượng khí thải có thể do sự rò rỉ trong quá trình khai thác dầu khí của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Theo một báo cáo khí hậu được Liên hợp quốc công bố mới đây, thế giới phải cắt giảm 1-3 lượng khí thải methane nếu muốn ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ thảm khốc. “Giảm phát thải khí methane là một công cụ quan trọng mà chúng ta có thể sử dụng ngay bây giờ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian tới và giảm tốc độ nóng lên toàn cầu”, ông Spinrad cho biết.
Các nhà vận động khí hậu nhấn mạnh cần có các hành động khẩn cấp để bịt kín những nguồn rò rỉ khí methane.
Bà Kassie Siegel, giám đốc Viện nghiên cứu luật khí hậu thuộc Trung tâm Đa dạng Sinh học, cho rằng lợi nhuận kỷ lục của những bên gây ô nhiễm phải được sử dụng để bịt kín và sửa chữa các giếng dầu khí, cũng như khắc phục mọi sự cố rò rỉ khí methane. “Việc giảm phát thải khí methane phải trở thành một phần của nỗ lực toàn cầu mạnh mẽ nhằm loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang năng lượng tái tạo”, bà nhấn mạnh.