Không còn “chỗ đứng” cho các mỏ đá vi phạm

Dương Hưng 10:07, 16/02/2023

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 mỏ đá được cấp phép hoạt động. Trong số đó, không ít mỏ trong quá trình hoạt động đã khai thác không đúng thiết kế nên khi nổ mìn gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tạm dừng cấp phép vật liệu nổ đối với các mỏ này.

Thời gian qua, người dân xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ), chịu nhiều ảnh hưởng bởi tiếng ồn, đá bắn, bụi từ hoạt động nổ mìn trong khai thác đá của Mỏ đá Tập Trung.

Mỏ đá Tập Trung, tại xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ), bị tạm dừng cấp phép vật liệu nổ từ cuối tháng 4-2022 do chưa thực hiện khai thác cắt tầng theo thiết kế.
Mỏ đá Tập Trung, tại xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ), bị tạm dừng cấp phép vật liệu nổ từ cuối tháng 4-2022 do chưa thực hiện khai thác cắt tầng theo thiết kế.

Ông Lăng Văn Bẩy, xóm Làng Mới, cho biết: Nhà tôi ở cách Mỏ đá Tập Trung khoảng 100m nên bị ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động khai thác đá. Mỗi lần Mỏ cho nổ mìn thì xóm bị bao phủ một lớp bụi, có lần đá bay vào thủng mái nhà. Do bị ảnh hưởng lớn đến đời sống, người dân trong xóm nhiều lần tập trung đến Mỏ để phản đối, gửi đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương. Mỗi lần như vậy, Mỏ có tưới nước, hạn chế nổ mìn, nhưng chỉ được thời gian ngắn. Sau khi Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra thực tế, phát hiện nhiều vi phạm của mỏ (trong đó có việc khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt), cơ quan chức năng đã tạm dừng cấp vật liệu nổ đối với Mỏ từ cuối tháng 6-2022 đến nay, đời sống của người dân mới đỡ bị ảnh hưởng.

Còn ông Nguyễn Minh Nơi, quản lý Mỏ đá Hang Trai 1, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), cho biết: Từ tháng 6-2022 đến nay, đơn vị cũng bị tạm dừng cấp phép vật liệu nổ. Nguyên nhân là do đơn vị không thực hiện khai thác cắt tầng theo đúng thiết kế. Cùng với đó, Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số vi phạm khác. Sau khi bị tạm dừng cấp phép vật liệu nổ, đơn vị đã chủ động khắc phục những tồn tại được chỉ ra. Đặc biệt, đơn vị đã thiết kế đường từ chân mỏ đến đỉnh núi để đưa thiết bị lên núi, thực hiện phương án khai thác cắt tầng theo đúng thiết kế. Sau khi hoàn thành, Mỏ đã có văn bản gửi Sở Công Thương. Đầu tháng 2, cơ quan chức năng lên thẩm định (hậu kiểm) kết quả khắc phục tồn tại nên tới đây đơn vị sẽ được cấp lại vật liệu nổ để tiếp tục hoạt động khai thác…

Ông Nguyễn Duy Hồng, Giám đốc điều hành Mỏ đá Đồng Phú, xã Tân Long (Đồng Hỷ), cho biết: Theo quy định, tất cả các mỏ đá phải khai thác cắt tầng (từ trên xuống), nhưng phần lớn các mỏ đá thực hiện từ dưới chân theo kiểu “đánh hàm ếch”, vì mỗi khi nổ mìn, lượng đá sụt xuống nhiều hơn. Tuy nhiên, việc này sẽ gây mất an toàn và lượng bụi phát tán xa, rất khó xử lý bằng vòi phun nước. Ngay cả mỏ đá của chúng tôi, có hệ thống xử lý bụi khá tốt, người dân cơ bản không bị ảnh hưởng, nhưng do không khai thác cắt tầng nên bị Đoàn liên ngành tạm dừng cấp phép vật liệu nổ từ tháng 7-2022. Đầu tháng 1-2023, khi Mỏ làm đường lên đỉnh núi, đưa máy móc, thực hiện phương án khai thác cắt tầng thì mới được cấp phép vật liệu nổ trở lại…

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng chục mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bị tạm dừng cấp phép vật liệu nổ trong năm 2022, bởi khai thác không đúng thiết kế được cơ quan chức năng phê duyệt.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc khai thác không đúng thiết kế sẽ gây mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường nên năm 2022 Sở đã tạm dừng cấp phép vật liệu nổ cho hàng chục mỏ. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2023, Đoàn liên ngành của tỉnh tiếp tục kiểm tra hoạt động tại các mỏ đá, với mục đích đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị hoạt động đúng quy định. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với những mỏ khai thác không đúng thiết kế phê duyệt, Sở sẽ tạm dừng, không cấp phép vật liệu nổ.

Thái Nguyên là địa phương có lượng mỏ đá khá lớn, với gần 20 mỏ được cấp phép khai thác. Các mỏ đá hoạt động đã đáp ứng nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động này có tác động không nhỏ tới môi trường, mất an toàn lao động, giao thông, nhất là đối với các mỏ khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt…

Việc tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm của cơ quan chức năng buộc các mỏ hoạt động tuân thủ các quy định, ngăn ngừa mất an toàn lao động, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.