Vấn nạn ô nhiễm nhựa tại Việt Nam cần những giải pháp mang tính hệ thống, nhằm thực hiện các hành động cấp bách và chưa từng có tiền lệ liên quan đến vấn đề rò rỉ nhựa, đặc biệt là nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).
Bức tranh đối lập về tác động của giảm thiểu chất thải nhựa. Nguồn: WWF |
Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) đã xác định ba giải pháp can thiệp chính nhằm tạo ra chuyển biến trên phạm vi toàn quốc, bao gồm: Giảm thiểu và thay thế nhựa; mở rộng năng lực tái chế mang lại hiệu quả về mặt kinh tế; mở rộng thu gom và xử lý an toàn CTRSH.
Giải quyết những vấn đề “kinh niên”
Các chuyên gia đã xây dựng một kịch bản thực tế - dựa trên các điều kiện khả thi tại Việt Nam để có thể giảm tỷ lệ chất thải chưa được quản lý từ 41,8% xuống còn 9,1% vào năm 2030. Theo đó, các giải pháp tập trung can thiệp giảm thiểu sự tăng trưởng trong sản xuất và tiêu thụ nhựa để giảm hơn 1 triệu tấn rác thải nhựa được dự đoán sẽ phát sinh vào năm 2030. Các hoạt động thay thế nhựa bằng giấy, giấy tráng và vật liệu có thể phân hủy sẽ giúp tránh phát sinh thêm khoảng 0,65 triệu tấn.
Cần lưu ý, ngay cả khi thực hiện thành công các đòn bẩy giảm thiểu và thay thế, nhu cầu nhựa vào năm 2030 vẫn sẽ tăng 60% so với năm cơ sở 2018. Bởi vậy, tái chế được xác định là đòn bẩy để tăng cường thu gom nhựa, tăng khối lượng nhựa tái chế từ 0,39 triệu tấn/năm (2018) lên 2,2 triệu tấn/năm và xử lý 2,99 triệu tấn còn lại trong các cơ sở có kiểm soát (40% lượng chất thải nhựa theo kịch bản phát triển thông thường).
Theo ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, những vướng mắc mà ngành tái chế nhựa phải đối mặt tập trung vào chuỗi cung ứng nhựa sau khi sử dụng. Và ở Việt Nam, chuỗi cung ứng này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng phi chính thức, là những người thu gom ve chai, đồng nát.
Cùng với việc nâng cao năng lực cho đội ngũ này, Chương trình NPAP đề xuất một loạt các giải pháp nhằm mở rộng quy mô thu gom và ngành công nghiệp tái chế nhựa, như: Triển khai Cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), ưu đãi về giá hoặc các khoản phí khi thực hiện thu gom và tái chế; quy định hàm lượng tái chế hoặc các hành động tương tự làm tăng giá trị của nhựa sau khi sử dụng; mở rộng ngành công nghiệp tái chế và đưa ra các công nghệ tái chế sản phẩm thải bỏ; nỗ lực phân loại tại nguồn và thiết kế để tái chế.
Đối với quá trình quản lý chất thải, giải pháp can thiệp chính gồm: Mở rộng khu vực có thu gom CTRSH toàn diện; xử lý có kiểm soát; ngăn chặn và loại bỏ tình trạng xả rác bừa bãi. Cả 3 đòn bẩy phải được kích hoạt đồng thời để tạo ra sự thay đổi thực sự. Việc cải thiện và mở rộng cơ sở xử lý an toàn sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng rò rỉ rác thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng.
Điều này liên quan đến lộ trình loại bỏ dần các bãi rác phân tán đến năm 2028, chỉ chuyển rác thải đến các bãi chôn lấp kỹ thuật và các bãi này phải đảm bảo không rò rỉ rác từ năm 2023. Các nỗ lực thay đổi hành vi tập trung vào việc giảm tình trạng xả rác bừa bãi sẽ tiếp tục làm giảm lượng rác thải nhựa bị rò rỉ ra môi trường nước.
Các chuyên gia lưu ý, theo các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, thải bỏ là biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do năng lực tái chế vẫn còn hạn chế, xử lý an toàn là một giải pháp cần thiết trong ngắn và trung hạn.
Tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các giải pháp
Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng nhận định, tất cả các giải pháp can thiệp theo kịch bản thực tế đã được chứng minh có thể thực hiện khả thi, mang lại hiệu quả về kinh tế và xã hội. Trong thực tế đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng rò rỉ nhựa ra môi trường, tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, hệ thống quản lý còn yếu kém, mô hình kinh doanh chưa mang lại hiệu quả và thiếu các ưu đãi và cơ chế tài chính để hỗ trợ dẫn đến tỷ lệ rác thải chưa được quản lý còn cao.
Năm 2023, các đối tác tham gia Chương trình NPAP sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thực tiễn gắn liền với hiện trạng và sự cần thiết tại các vùng, các khu vực là điểm nóng về rác thải nhựa. Trong đó, thúc đẩy phổ biến chính sách và truyền thông thay đổi hành vi, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong mảng nhựa, cũng như quản lý vòng đời nhựa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, thu gom, phân loại, và tái chế, tái sử dụng.
Trước mắt, nhóm công tác về Chính sách, đổi mới sáng tạo và Khơi nguồn tài chính sẽ được hình thành để từng bước hiện thực hóa các giải pháp can thiệp đề xuất vào giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân - Trưởng Nhóm công tác NPAP, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, khối tư nhân và các tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung thực hiện Chương trình NPAP một cách toàn diện, tổng thể.
Đây sẽ trở thành mô hình tiêu biểu huy động mọi nguồn lực của các chủ thể công, tư, cộng đồng và người dân nhằm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra. Đồng thời, phấn đấu phát huy vai trò quốc gia dẫn dắt trong khu vực tại các diễn đàn đa phương liên quan đến vấn đề chất thải nhựa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin