Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ: Nỗ lực xử lý chất thải sản xuất

Hoàng Cường 07:38, 08/05/2023

Từng gây ra những ảnh hưởng về môi trường do chất thải từ hoạt động sản xuất chưa được xử lý bảo đảm, những năm gần đây, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) đã có nhiều nỗ lực khắc phục hạn chế này, hướng đến sản xuất công nghiệp bền vững.

Sau khi được xử lý bằng công nghệ vi sinh, toàn bộ nước thải của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ được thu gom về bể chứa trước khi xả ra môi trường.
Sau khi được xử lý bằng công nghệ vi sinh, toàn bộ nước thải của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ được thu gom về bể chứa trước khi xả ra môi trường.

Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ chuyên sản xuất giấy bao gói công nghiệp bằng công nghệ tái chế nên chất thải chủ yếu là nước và khí thải. Hiện nay, nhà máy của Công ty được đầu tư nâng công suất lên 160 nghìn tấn sản phẩm/năm (tăng 100 nghìn tấn so với trước). Do đó, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường.

Về nước thải, Công ty đầu tư thêm 1 cấp xử lý bằng công nghệ vi sinh kị khí kết hợp với công nghệ xử lý nước thải bằng vi sinh hiếm khí có từ nhiều năm trước. Hệ thống xử lý nước thải mới này giúp nâng tổng công suất xử lý nước thải tối đa của nhà máy lên 2.500m3/ngày đêm, khả năng xử lý triệt để các chất thải đặc thù trong sản xuất giấy trước khi đưa ra ngoài môi trường.

Cùng với nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, Công ty còn duy trì định mức nước sản xuất đầu vào ở mức thấp nhất nhằm giảm chi phí sản xuất và lượng nước thải phải xử lý ra môi trường.

Theo anh Lương Minh Trang, cán bộ phụ trách môi trường Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ: Giải pháp về giảm định mức nước sản xuất là chúng tôi tăng cường tái sử dụng; đồng thời giám sát thông qua các đồng hồ nước đầu vào. Hiện nay, định mức nước sản xuất của Công ty chỉ là 2m3/tấn sản phẩm; công suất hoạt động của hệ thống xử lý nước thải mới đạt 50% so với thiết kế. 

Cùng với công nghệ xử lý nước thải, doanh nghiệp cũng quan tâm đến đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý khí thải với công suất từ 130 - 150 nghìn m3/giờ. Đơn vị đã chuyển đổi từ lò hơi đun sôi sử dụng than đốt sang lò hơi tầng sôi sử dụng bằng các phế phẩm lâm nghiệp thân thiện với môi trường như, mùn cưa, vỏ cây... Nhờ đó giảm đáng kể khói bụi, khí CO từ than đốt; đặc biệt là cải thiện môi trường làm việc của công nhân.

Anh Phạm Văn Hưng, công nhân vận hành lò hơi, chia sẻ: Kể từ khi nhà máy chuyển sang vận hành lo hơi tầng sôi đã giúp cho bầu không khí làm việc của phân xưởng trở nên sạch sẽ hơn, không còn bụi than, sức khỏe công nhân từ đó cũng được cải thiện.

Ngoài những cải tiến về công nghệ xử lý chất thải, Công ty cũng lắp đặt 2 hệ thống quan trắc khí thải và nước thải tự động. Đến nay, các hệ thống quan trắc đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, chuẩn bị đấu nối để truyền dữ liệu quan trắc trực tiếp về Trung tâm Quan trắc (Sở Tài nguyên và Môi trường).

Ông Vũ Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, cho biết: Hệ thống quan trắc tự động được Công ty đầu tư với kinh phí hàng tỷ đồng và được nhập khẩu từ nước ngoài, mỗi hệ thống bao gồm: Máy phân tích thông số quan trắc và truyền dữ liệu về Trung tâm Quan trắc; camera giám sát, các thiết bị quan trắc đầu vào, đầu ra... Khi 2 trạm quan trắc này đi vào vận hành chính thức sẽ giúp Công ty và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm soát các nguồn thải 24/24 giờ; kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố về môi trường nếu có.

Có thể thấy, nhờ đầu tư công nghệ nâng cao khả năng xử lý chất thải, những năm gần đây, tình trạng môi trường từ hoạt động sản xuất của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ đã có những thay đổi tích cực, được người dân và chính quyền sở tại, cơ quan chức năng ghi nhận. Môi trường sản xuất được bảo đảm cũng giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, duy trì việc làm cho hơn 500 lao động với thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng, doanh thu trung bình mỗi năm đạt hơn 1.000 tỷ đồng.